Saturday, August 15, 2020

[topic] GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH - Phần 3: Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

 

GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

PHẦN 3: Ở LẠI QUÊ HƯƠNG HAY VẪN THA HƯƠNG?

 

Sài Gòn, 15/08/2020                                                                                    moäc . theákhoâng

 

Tóm tắt tiểu mục:

3.1. Trở về để ra đi?

3.2. Thời gian không tích lũy

 

Phần 3: Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

3.1. Trở về để ra đi?

Phần 1 của bài viết với tiêu đề “Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường” như muốn chia sẻ một sự thông cảm về hoàn cảnh thực tại của một số du học sinh khi việc học hành ở nước ngoài bị gián đoạn, nhưng đừng hiểu nhầm phần này chỉ để kể khổ hoặc than thân trách phận, vì cuộc đời có lúc nào phủi sạch bóng gian nan, chỉ là nhịp độ nhanh hay chậm, cường độ mạnh hay yếu mà thôi.

Đối mặt với nhiều thử thách khác nhau, chúng ta có cơ hội trưởng thành hơn để viết lên trường khúc rộn rã đời thay vì đoản khúc rên rỉ đời. Bất luận những khó khăn nghịch cảnh đó, điểm mấu chốt của phần 1 muốn nhấn mạnh rằng giữa đại dịch nguy hiểm này vấn đề an toàn tính mạng là quan trọng nhất: còn tính mạng là còn tươi sáng. Có giàu sang, giỏi giang, thậm chí điệu đàng đi chăng nữa, nhưng tính mạng không vẹn toàn thì còn có ý nghĩa gì nữa.

Tác giả trong chuyến thăm New York

Sang Phần 2 “An toàn thân mạng cứ học trên mạng”, với ý thức an toàn thân mạng là trên hết, chúng ta sống tỉnh thức hơn và dần dần trở nên thích nghi với mọi tình huống khả dĩ, chẳng hạn như học ở trường hay học ở nhà đều vui vẻ chấp nhận tùy theo những quy định chung của xã hội hay hoàn cảnh bắt buộc trong từng trường hợp cụ thể với tinh thần hợp tác đầy thiện chí.

Qua đó, phần 2 làm nổi bật tinh thần tự giác hiếu học và khả năng sẵn sàng chuyển đổi hình thức đào tạo từ hệ tập trung sang hệ online với nhiều nỗ lực dù có một số bất lợi nhất định như đã nêu. Tuy nhiên, được học online như giải pháp hiện nay xem ra vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những hoàn cảnh khác trong xã hội chưa có điều kiện đăng ký học hình thức này.

Tới Phần 3 “Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?” cũng là phần cuối của bài viết này, chúng ta sẽ nói ngắn gọn về một vài tình huống lựa chọn tiếp theo của các du học sinh, và sau cùng sẽ đặc biệt nhấn mạnh về một sự thật không hề dễ chịu, nhưng rất cần chú tâm rèn luyện cho thuần thục để có thể an vui chấp nhận nó trong cuộc sống con người, đó là: thời gian không tích lũy.

Cho đến nay chưa ai xác định khi nào đại dịch sẽ dứt hẳn hay hạ nhiệt tối đa và hy vọng sẽ sớm đến ngày đó, nhưng bất luận điều gì đang xảy ra, cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp diễn. Tuy đề tài chính của bài viết là “Gửi du học sinh về nước lánh dịch”, nhưng cũng có du học sinh vẫn chưa về nước. Vì vậy, để có góc nhìn tổng quát hơn, có ít nhất ba trường hợp lựa chọn đối với các du học sinh nói chung như sau:

[*] Trường hợp 1:

Vẫn ở nước ngoài dù trong tâm dịch, xã hội bất ổn cùng với những khó khăn khác, xem như chấp nhận thử thách này như một phần của cuộc sống. Khi ra quyết định như vậy, chắc hẳn gia đình bạn đã xác định một kế hoạch dài hơi ngay từ đầu rồi. Quả vậy, nếu trường của bạn có giải pháp mở cửa dạy tập trung giới hạn một số ngày nào đó trong tuần, thì về nước làm gì khi học chưa xong, mà về nước rồi liệu quay trở lại có dễ dàng hay không khi các chuyến bay giữa hai đầu vẫn còn đóng băng hoặc nước sở tại có những thay đổi xiết chặt về nhập cảnh.

Nếu thế, thà ở bên đó học xong rồi tìm đường tính tiếp. Thay vì một năm về nước thăm gia đình một lần, nay vì dịch bệnh nên hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết. Kế hoạch này hoàn toàn khả thi nhờ sức mạnh kinh tế của gia đình bạn, vì nếu không có tình hình tài chính vững mạnh thì làm sao bám trụ nổi ở nước ngoài trong tình hình phức tạp như hiện nay.

[*] Trường hợp 2: 

Về nước lánh dịch, học tạm online, chưa xác định có đi nước ngoài nữa hay không, thậm chí ở lại Việt Nam lâu dài. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, do bạn thay đổi ý định, chuyển hướng ngành học hoặc tìm được một cơ hội khác hợp với mình ở trong nước. Có khi gia đình bạn khuyên không nên đi du học nữa do lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp cộng với tình hình xã hội bất ổn, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Về đây rồi có thể bạn tìm ra một lời giải đáp thích đáng, đó là ở đâu cũng phải siêng học, ở đâu cũng phải chăm làm, nay vì dịch bệnh bạn về nước sống gần bố mẹ, gần gia đình, và với trình độ tiếng Anh khá giỏi của mình thì đâu có thiếu cơ hội dành cho những người trẻ tuổi như bạn đâu. Nếu ứng với trường hợp này, bạn hãy cố gắng hoàn tất chương trình quốc tế online theo giải pháp của trường đại học ở bên đó, và tranh thủ học thêm hay làm thêm việc gì đó ở bên này mà mình cảm thấy hứng thú nhất, đừng lãng phí thời gian trống như đã bàn trong Phần 2.

Nếu không rơi vào trường hợp 2, có lẽ trường hợp 3 ngay dưới đây đang chờ đợi bạn đấy.

[*] Trường hợp 3: 

Về nước lánh dịch, học tạm online, nhất quyết quay trở lại nước ngoài ngay khi có cơ hội. Nếu sắp tới có nhiều quốc gia trên thế giới bàn bạc và đi đến quyết định “sống chung với dịch”, đây sẽ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho quyết tâm của bạn. Họ lập luận rằng việc đóng cửa kinh tế kéo dài sẽ gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng và tồi tệ hơn, vì có khi chưa chết vì dịch mà chết vì đói. Còn việc mở cửa kinh tế thận trọng từng bước, kết hợp với giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân và biện pháp chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc sẽ là quyết sách chấp nhận được, vì dung hòa được nhiều lợi ích trong xã hội.

Như bạn cũng biết, trước khi xuất hiện Coronavirus/ Covid-19 đầu năm 2020, suốt mấy thập niên qua bệnh cúm mùa cũng đáng sợ đối với nhiều người Mỹ. Hàng năm, dịch cúm này đã gây thiệt mạng cho hàng vạn người lớn và trẻ em và khiến hàng trăm ngàn người dân nước này phải nhập viện điều trị với biết bao tổn thất về nhân mạng và tiền của, nhưng nước Mỹ có đóng cửa kinh tế vì cúm mùa đâu, rốt cuộc cũng phải tìm cách thích ứng sống chung với dịch thôi.

Đồng ý rằng Coronavirus/ Covid-19 còn quá mới mẻ, trong thời gian đầu có thể chưa hiểu rõ về nó, nên cảm thấy hoang mang, lo lắng, thậm chí sợ hãi. Tuy nhiên, chúng ta hãy giữ bình tĩnh, sống tích cực, chấp hành nghiêm túc hướng dẫn phòng bệnh của nhà chức trách và thể hiện tinh thần trách nhiệm cá nhân đối với gia đình, cộng đồng và xã hội để cùng hợp tác thực hiện cách ứng phó hiệu quả nhất, tức là vừa học tập, vừa làm việc, vừa sinh hoạt, vừa phòng dịch.

Từ đầu năm 2020 cho đến nay, tức hơn bảy tháng trôi qua mà sức khỏe của bản thân mình vẫn bình thường thì hãy tiếp tục phát huy như vậy, ít nhất ta cũng đã tự điều chỉnh và thích nghi được với cách thức tổ chức cuộc sống và sinh hoạt mới trong gia đình mình. Do vậy, đóng cửa kinh tế chỉ là giải pháp tạm thời ngắn hạn, chứ không phải giải pháp muôn đời vô hạn.

Với viễn cảnh đó, khi các chuyến bay chặng quốc tế được nới lỏng, giá vé về mức hợp lý, vaccine trị bệnh đã có, các trường đại học mở cửa đón bạn quay trở lại, xét duyệt visa quốc tế bớt khắt khe hơn…, chắc chắc sẽ có nhiều bạn háo hức đóng gói hành trang lên đường thôi, đơn giản vì bạn thuộc mẫu người không bao giờ bỏ cuộc, khi bạn có sức khỏe tốt, tình hình tài chính mạnh và chưa thay đổi ý định khác. Khi bạn vẫn quyết định ra nước ngoài tiếp tục việc học dở dang, chắc hẳn bạn đã ấp ủ nhiều kế hoạch dài hơi khác, chứ không chỉ đơn thuần là chuyện học hành.

Ngoài ba trường hợp nêu trên, có thể sẽ còn nhiều tình huống khác nữa. Tuy nhiên, bất luận chuyện gì xảy ra, chúc bạn giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt cẩn trọng, gặp nhiều may mắn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Hy vọng mỗi quyết định của bạn đều hợp lý, sáng suốt và đừng quên: không bao giờ bỏ cuộc.

Thà rằng không học, không học nửa vời

Thà rằng không làm, không làm nửa vời

Thà rằng không yêu, không yêu nửa vời

Thà rằng không sống, không sống nửa vời.

Hãy dấn thân lăn xả trong mọi hành động với bốn động từ chủ lực “học, làm, yêu, sống” với tất cả trái tim, với tất cả khối óc, với tất cả tâm tình và với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ của bạn.

 

3.2. Thời gian không tích lũy

Phần lớn các bạn trẻ bây giờ ở tầm tuổi 20, một độ tuổi quá đẹp trên con đường học tập hiện nay và trong quá trình lập nghiệp sau này. Nếu tính trăm năm kiếp người như người xưa thường nói, quỹ thời gian của bạn còn dư dả, nếu không muốn nói là dồi dào.

Tác giả trong chuyến thăm New York

Lứa tuổi này cho phép bạn thực hiện nhiều khám phá, nhiều trải nghiệm, thậm chí phiêu lưu, mà nếu có sơ suất hay thiếu sót gì đó thì cũng chẳng đáng lo ngại. Cuộc đời này ai mà chẳng mắc phải sai lầm vì chúng ta có phải là thánh nhân đâu. Vấn đề là khi xảy ra sơ suất, bạn vẫn còn rộng thời gian để sửa chữa nó, nhưng có kẻ không còn nhiều thời gian để khắc phục hậu quả nữa, nếu có thì với cái giá vô cùng đắt đỏ.

Thực tế là có rất nhiều người trên thế gian này đang nằm trên đống vàng cao chót vót, nhưng quỹ thời gian lại sắp cạn kiệt, không thể cứu vãn gì được nữa. Có khi người ta sẵn sàng trao đổi hết đống vàng đó chỉ để đổi lại một phần nhỏ của tuổi thanh xuân sáng ngời như bạn đang có, nhưng vô phương vô vọng, vì chẳng có ai bán. Đây là một “thị trường” bất cân xứng đến khắc nghiệt, chỉ xuất hiện duy nhất người mua, mà không hề có người bán.

Nếu hiểu đống vàng nói trên theo nghĩa đen thông thường thì cũng được, nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng thì có nghĩa là bản thân trong mỗi chúng ta đều có những tiềm năng quý báu với những giá trị nội tại tuyệt vời không phải ai cũng có, nhưng lại không để ý, lại lãng phí mà không biết sử dụng đúng mục đích, cứ chạy theo những mục tiêu hão huyền hay huyễn hoặc, để rồi thời gian cứ trôi đi trong một kiếp nhân sinh.

Nếu giả sử có cái gọi là bảng giao dịch điện tử của “Sàn giao dịch môi giới thời gian” với hàng hóa đặc trưng của nó là đơn-vị-thời-gian, bạn chỉ thấy các lệnh đặt mua dầy đặc hàng hàng lớp lớp, ai sắp cạn kiệt thời gian có lẽ sẽ phải đặt giá cao hơn cho một kiếp người ngắn ngủi, nhưng nhìn về chiều đặt lệnh bán lại hoàn toàn trống vắng chiều nay, trống lặng chiều mai, chẳng hề có và mãi mãi sẽ không bao giờ có một giao dịch chào bán nào để “khớp lệnh” với hàng hóa thời gian đó.

Hình ảnh về cái “Sàn giao dịch thời gian” tưởng tượng đó như thầm nhắc nhở không chỉ cho riêng bạn, mà cho tất cả chúng ta một sự thật đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ, đó là: đời sống nhân sinh vô cùng quý giá và đắt giá. Hy vọng bạn biết tận hưởng được cuộc sống đó bằng quỹ-thời-gian-bất-khả-tích-lũy của mình một cách hữu ích nhất về vật chất lẫn tinh thần trong chuyến du hành trần thế này./.

--- HẾT ---

 

-----
mộc.thếkhông
(Kingsley Truman Tran)

gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo

 

[Music Blog]       : mocquockhanh.blogspot.com

[Finance Blog]    : mocphuckhang.blogspot.com

[Zen Blog]          : mocthekhong.blogspot.com

[LinkedIn]         : https://www.linkedin.com/in/tran-trong-quoc-khanh/

[YouTube]         : https://www.youtube.com/user/mocquockhanh69/

[Facebook]         : https://www.facebook.com/mocquockhanh

[E-mail]              : moc.quockhanh@gmail.com

09 06 99 99 00


No comments:

Post a Comment