Sunday, August 9, 2020

[topic] GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH - Phần 1: Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường


GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

 

 Sài Gòn, 09/08/2020                                                                       moäc . theákhoâng

 

TÓM TẮT TỔNG MỤC


Phần 1:   Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường


Phần 2:   An toàn thân mạng cứ học trên mạng


Phần 3:   Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

 

Khi phác thảo bài viết này, lúc đầu chúng tôi đặt tựa đề là “Gửi du học sinh về nước lánh dịch Coronavirus/ Covid-19”. Sau đó nghĩ lại thấy nên bỏ cái tên gọi riêng của dịch bệnh, vì cho đến thời điểm này nếu nhắc đến nó thì hầu như ai cũng liên tưởng tới đại dịch Coronavirus/ Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, nên không sợ gây hiểu lầm hay ngộ nhận. Hơn nữa, cái tựa đề dài thiếu tính tổng quát, nên cuối cùng gút lại: “Gửi du học sinh về nước lánh dịch”.

 

Thông qua tin tức truyền thông, hầu như ai cũng biết trong số các công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về, có nhiều tầng lớp với hoàn cảnh khác nhau, chứ không riêng du học sinh. Lá thư gửi đến họ hôm nay chỉ mang một tâm tình muốn thảo luận thêm với các bạn trẻ trí thức đó, chứ không phân biệt giữa du học sinh và những người khác. Biết đâu trong số công dân quyết định về nước vừa rồi cũng có nhiều người đã từng trải qua đời sống du học sinh trước đó.

 

Tuy nhiên, dù bạn có là du học sinh hay không, dẫu bạn có về nước hay không trong bối cảnh đại dịch chưa kịp lắng dịu được bao lâu, nay lại đang tái xuất hiện đợt hai trên toàn thế giới, không cần nhắc chắc bạn cũng biết tự lo cho bản thân, tránh mọi tiếp xúc hay tụ tập không cần thiết, vì lúc này an toàn sinh mạng là trên hết, ít nhất cũng trong giai đoạn còn biến động phức tạp như hiện nay.

 


 

GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

PHẦN 1: BIẾT BAO TAI ƯƠNG TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG

 

Sài Gòn, 09/08/2020                                                                       moäc . theákhoâng

Tóm tắt tiểu mục:

1.1. Sống chung với ôn dịch

1.2. Những chuyến bay thưa thớt

1.3. Những kinh nghiệm xương máu

1.4. Trang trải phí cách ly

Phần 1: Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường

1.1. Sống chung với ôn dịch

Trong những tháng gần đây, thông tin về những chuyến bay đưa công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước lánh dịch ngày càng nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại, vì tình hình chung ở nước ngoài còn nhiều diễn biến phức tạp ngoài dự kiến, và một số du học sinh cảm thấy không nhất thiết phải chờ thêm nữa sau khi đã thu xếp hoặc có giải pháp tạm thời về chuyện học hành.

 

Từ đầu năm Dương lịch 2020 cho đến nay, xem ra chúng ta đã sống chung với Coronavirus/ Covid-19 hơn bảy tháng và thực hiện cách ly y tế đối với các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài. Nếu tính từ dịp Tết Canh Tý, tình trạng sống chung với ôn dịch bất đắc dĩ đó cũng đã kéo dài hơn sáu tháng, trong đó có ba tuần lễ thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong lần đầu tiên hồi tháng 04/2020.

 

Trong những tháng đó, mọi người đều cố gắng vượt qua nhiều khó khăn chưa từng có trong đời, và đất nước vẫn không tuyên bố hết dịch để tránh tâm lý chủ quan. Trong thời gian cách ly toàn xã hội đó, chúng ta ghi nhận 99 ngày liên tiếp không phát sinh ca lây nhiễm mới trong cộng đồng kéo dài từ giữa tháng 04/2020 cho đến gần cuối tháng 07/2020, cụ thể ngày 25/07/2020, dịch bùng phát ở Đà Nẵng, vào thời điểm mà một số gia đình hưởng ứng kích cầu du lịch nội địa sau khi con em mình vừa kết thúc niên khóa 2019-2020 dài đăng đẳng, đầy căng thẳng.

 

1.2. Những chuyến bay thưa thớt

Còn các du học sinh thì sao? Có thể nói trước đại dịch cuộc đời của các du học sinh đang trải qua những ngày tháng tuyệt vời với nhiều hoài bão tươi sáng cho tương lai, thì đùng một cái đại dịch Coronavirus/ Covid-19 làm đảo lộn toàn bộ việc học hành của họ nói riêng và cuộc sống của chúng ta nói chung. Nhưng giờ đây ngồi nuối tiếc quá khứ cũng chẳng lợi lộc gì, sao không thử viết tiếp một câu chuyện đối diện với thực tế đang diễn ra xem chừng có hữu ích hơn không.

Trước hết, chúc mừng tất cả các du học sinh đã về nước an toàn theo từng đợt sơ tán sau những chặng đường bay có thể nói là kinh khủng chưa từng có trong đời, như thời gian chờ đợi và lộ trình bay kéo dài lê thê, giá vé cao chót vót, tình hình an ninh xã hội bất ổn, nguy cơ lây nhiễm chéo ở nơi tâm dịch, lo lắng mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần mà lại chẳng biết chắc có bay được hay không giữa lúc nhiều hoạt động kinh tế trên thế giới bị đình chỉ, trong đó ngành hàng không chịu ảnh hưởng rất nặng.

Các bạn trẻ về được tới Việt Nam theo nguyện vọng là điều may mắn so với nhiều người khác, tuy họ cũng muốn về lắm nhưng chưa thu xếp được, bởi vì “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Về Việt Nam, bạn được gặp lại ông bà bố mẹ, các anh chị em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân hữu. Về Việt Nam, không hẳn bạn sẽ được bảo vệ sức khỏe an toàn tuyệt đối giữa đại dịch, vì điều này còn tùy thuộc vào ý thức chung của toàn xã hội nữa, nhưng ít ra tỷ lệ lây nhiễm trong nước cho đến lúc này vẫn còn thấp so với ở nước ngoài, nên có cơ hội được chăm sóc điều trị trong tình trạng chưa bị quá tải. Đó chẳng phải là điều may mắn hay sao, và bạn hoàn toàn xứng đáng được như vậy với tư cách một công dân.

Có một vài lời bàn tán lạc lõng nói tại sao không chủ động bay về sớm cho khỏe trước khi các chuyến bay quốc tế bị gián đoạn, mà lại chờ quá lâu để cuối cùng dồn cục lại gây quá tải trong xử lý? Hoặc tại sao không ở luôn bên đó cho rồi, chứ về nước làm gì kẻo không khéo lại gây ảnh hưởng đến gia đình và người khác. Thiết nghĩ, bạn cũng chẳng nên bận tâm đến những lời nói đó làm gì, mà hãy tập trung suy nghĩ vào việc lập kế hoạch sắp tới ra sao như sẽ bàn ở bên dưới. Miễn bạn là người Việt Nam, còn giữ quốc tịch thì cứ trở về quê hương đất nước theo nguyện vọng của mình thôi.

May mắn thay, những lời lẽ thiếu thiện chí đó không thuộc về số đông, mà nói như vậy thì ai chả nói được, nó giống như bàn về kết quả xổ số chiều nay sau khi vé số đã quay. Thực tế thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đâu phải muốn về là về được đâu. Còn biết bao nhiêu thứ mà một du học sinh phải xử lý như bài học dở dang, báo cáo thuyết trình, kiểm tra cuối kỳ, tiền ăn tiền ở, nói chung rất nhiều khó khăn trở ngại khác không thể giải quyết ngay cùng một lúc được, và còn phải chờ xem tình hình và khả năng ứng phó của các nước sở tại có tiến triển gì không.

Khi đối diện với Coronavirus tuy là vô hình vô ảnh trong con mắt nhân gian, nhưng lại hữu hình ám ảnh trong tổn thất nhân mạng trong lần đầu tiên của lịch sử loài người, kể cả những người lớn hay bậc phụ huynh cũng còn lúng túng trong xử lý tình huống, cũng còn đau đầu cân nhắc giữa việc tiếp tục ở lại nước ngoài hay trở về quê hương lánh dịch giữa lúc dịch bệnh quái ác làm đảo lộn nghiêm trọng toàn bộ cuộc sống từ công ăn việc làm, cơ hội phát triển đến sinh hoạt gia đình, huống hồ chi là các du học sinh còn đang độ tuổi ăn học.

Việc dàn xếp những chuyến bay đặc biệt trong những trường hợp hiếm hoi đưa công dân về nước trong bối cảnh phần lớn ngành hàng không đóng cửa hoặc giảm thiểu chuyến bay để ngăn dịch là bổn phận và trách nhiệm của nhà chức trách đối với công dân, đó là điều cần phải thực hiện để bảo vệ công dân còn đang gặp khó khăn ở nước ngoài, tùy vào khả năng hợp tác xử lý giữa các nước có liên quan về thời gian, địa điểm, lịch trình và số khách của chuyến bay.

Đừng bao giờ quên rằng khi bạn quyết định về nước lánh dịch, gia đình bố mẹ bạn vô cùng lo lắng, mất ăn mất ngủ, không biết liệu thời gian thu xếp lịch bay có được thực hiện sớm hay không trong hoàn cảnh việc đi lại không còn tự do thoải mái như trước, hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chỉ khi chuyến phi cơ đặc biệt đón bạn hạ cánh an toàn trên mảnh đất quê hương, lúc đó bố mẹ bạn mới trút hết được mọi gánh nặng lo âu chất chứa bấy lâu nay với những giọt nước mắt hạnh phúc: con đã trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ!

1.3. Những kinh nghiệm xương máu

Khi lâm vào tình huống tưởng chừng như bế tắc, có nhiều bạn luôn biết tìm cách vượt qua, chẳng hạn như viết vội tờ giấy với dòng chữ kêu gọi cầu cứu giúp đỡ, vì trường học đóng cửa, học xá đóng rào, đường bay đóng băng, giao thông đóng chốt… Việc giương tờ giấy với lời kêu gọi đó cho thấy bạn biết báo động cho nhiều người nắm được tình hình thực tế của mình, như một cách tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các hệ thống, thủ tục quan liêu nào đó, buộc họ phải tìm cách xử lý tình huống.

Chắc hẳn bạn vẫn nhớ khi mình liên hệ với cơ quan, tổ chức nào đó ở nước ngoài để yêu cầu hỗ trợ, thì họ thường bảo bạn hãy gọi lại sau vài ngày, chứ chẳng hứa sẽ gọi lại, đơn giản vì quá tải rồi, còn tâm trí đâu mà gọi lại cho bạn nữa. Việc của mình thì mình phải chủ động lên tiếng thôi. Tuy nhiên, từ giờ trở đi với tư cách là nhân chứng sống giữa đại dịch Coronavirus/ Covid-19, bạn đã có kinh nghiệm xương máu cho mình rồi, và nếu xảy ra bất kỳ tình huống nào tương tự như thế trong tương lai, chắc chắn bạn sẽ ra quyết định quyết liệt hơn, không chỉ cho bản thân, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình con cái mình sau này nữa.

Như bạn đã biết, Hội chứng SARS (viết tắt của “Severe Acute Respiratory Syndrome”, tạm dịch “Hội chứng hô hấp cấp tính nặng”) đã bùng phát ở châu Á vào năm 2003 với nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và tình hình kinh tế thế giới nói chung. Vậy mà giờ đây chỉ sau 17 năm virus đã quay trở lại với một phiên bản mới, lan rộng hơn, mạnh mẽ hơn, khó lường hơn, tàn bạo hơn với tên gọi SARS-CoV-2”, vì đặc tính gen của nó có liên quan đến loại virus corona gây dịch SARS làm chết người.

Chắc hẳn bạn cũng chứng kiến tận mắt hoặc cập nhật tin tức về những ca mắc bệnh và những ca tử vong ở nước ngoài nơi bạn học rồi, và chúc mừng bạn biết giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt cẩn trọng và về nước an toàn. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Coronavirus/ Covid-19 gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu như sau:

 

[.] Trên thế giới:

·      Số nước bị nhiễm: 213 quốc gia và vùng lãnh thổ

·      Số ca bị nhiễm: 19.848.959

·      Số ca tử vong: 730.385

·      Số ca khỏi bệnh: 12.750.384

(Nguồn: Worldometers, cập nhật 09/08/2020, lúc 13:16 GMT, tức 20:16 giờ Hà Nội)

 

[.] Tại Việt Nam:

·      Số ca bị nhiễm: 841

·      Số ca tử vong: 11

·      Số ca khỏi bệnh: 395

·      Số đang điều trị: 435

(Nguồn: Bộ Y Tế, cập nhật 09/08/2020, lúc 20:16 giờ Hà Nội)

Khi đối diện với tình huống dầu sôi lửa bỏng, vô cùng nguy cấp chưa từng có trong đời và với bản năng sinh tồn sẵn có nay trỗi dậy mãnh liệt trong mỗi con người chúng ta, tự khắc chúng ta sẽ nhận thức rất rõ ràng về một điều vô cùng giản dị, nhưng lại vô cùng thiết yếu, mà đôi khi ít được nhắc tới trong điều kiện bình thường hoặc lúc đang khỏe mạnh, đó là: còn tính mạng là còn tươi sáng!


1.4. Trang trải phí cách ly

Nếu ai đã về nước an toàn và đang ở trong khu cách ly y tế tập trung, hãy thể hiện tinh thần hợp tác với đội ngũ y bác sĩ và cơ quan chức năng vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, và trang trải chi phí cách ly, điều trị y tế (nếu có). Nếu biết suy nghĩ tích cực, cứ xem như một “chuyến du lịch y tế” để bảo vệ bản thân khỏi mọi rủi ro tiềm ẩn. Bù lại ta được phục vụ việc ăn ở, nếu sức khỏe bình thường thì về nhà sum họp với gia đình, còn nếu có bất cứ triệu chứng gì thì đã có đội ngũ y tế xử lý tại chỗ.

Các bạn trí thức trẻ được đào tạo trong môi trường giáo dục tiên tiến ở phương Tây sẽ dễ dàng hợp tác với đội ngũ y bác sĩ trong nước. Về chi phí điều trị y tế ở nước ta, rõ ràng nó vẫn “mềm mại” hơn nhiều so với các nước phương Tây mà. Xem trực tiếp một vài chương trình truyền hình của các hãng thông tấn quốc tế thì nhận thấy có một số gia đình ở phương Tây sau khi được điều trị khỏi Coronavirus/ Covid-19 và nhận hóa đơn thanh toán viện phí, thì phần lớn đều xướng ầm lên, chứ không phải xướng âm lên, đa số đều hét lên, chứ hổng phải hát lên, mếu rằng: I could hardly believe it when I had the bill today!

(còn tiếp)

=> Phần 2: An toàn thân mạng cứ học trên mạng

_________________


moäc . theákhoâng
(Kingsley Truman Tran)
gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo

[Music Blog]   : mocquockhanh.blogspot.com
[Finance Blog]: mocphuckhang.blogspot.com
[Zen Blog]       : mocthekhong.blogspot.com
[E-mail]           : moc.quockhanh@gmail.com
☎ 09 06 99 99 00


Nguồn:  Blog Mộc Thế Không


https://mocthekhong.blogspot.com/2020/08/topic-gui-du-hoc-sinh-ve-nuoc-lanh-dich.html

https://www.facebook.com/mocquockhanh/posts/3794914197188848?notif_id=1596980340578294&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif

 

No comments:

Post a Comment