Saturday, August 15, 2020

[topic] GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH - Phần 3: Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

 

GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

PHẦN 3: Ở LẠI QUÊ HƯƠNG HAY VẪN THA HƯƠNG?

 

Sài Gòn, 15/08/2020                                                                                    moäc . theákhoâng

 

Tóm tắt tiểu mục:

3.1. Trở về để ra đi?

3.2. Thời gian không tích lũy

 

Phần 3: Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

3.1. Trở về để ra đi?

Phần 1 của bài viết với tiêu đề “Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường” như muốn chia sẻ một sự thông cảm về hoàn cảnh thực tại của một số du học sinh khi việc học hành ở nước ngoài bị gián đoạn, nhưng đừng hiểu nhầm phần này chỉ để kể khổ hoặc than thân trách phận, vì cuộc đời có lúc nào phủi sạch bóng gian nan, chỉ là nhịp độ nhanh hay chậm, cường độ mạnh hay yếu mà thôi.

Đối mặt với nhiều thử thách khác nhau, chúng ta có cơ hội trưởng thành hơn để viết lên trường khúc rộn rã đời thay vì đoản khúc rên rỉ đời. Bất luận những khó khăn nghịch cảnh đó, điểm mấu chốt của phần 1 muốn nhấn mạnh rằng giữa đại dịch nguy hiểm này vấn đề an toàn tính mạng là quan trọng nhất: còn tính mạng là còn tươi sáng. Có giàu sang, giỏi giang, thậm chí điệu đàng đi chăng nữa, nhưng tính mạng không vẹn toàn thì còn có ý nghĩa gì nữa.

Tác giả trong chuyến thăm New York

Sang Phần 2 “An toàn thân mạng cứ học trên mạng”, với ý thức an toàn thân mạng là trên hết, chúng ta sống tỉnh thức hơn và dần dần trở nên thích nghi với mọi tình huống khả dĩ, chẳng hạn như học ở trường hay học ở nhà đều vui vẻ chấp nhận tùy theo những quy định chung của xã hội hay hoàn cảnh bắt buộc trong từng trường hợp cụ thể với tinh thần hợp tác đầy thiện chí.

Qua đó, phần 2 làm nổi bật tinh thần tự giác hiếu học và khả năng sẵn sàng chuyển đổi hình thức đào tạo từ hệ tập trung sang hệ online với nhiều nỗ lực dù có một số bất lợi nhất định như đã nêu. Tuy nhiên, được học online như giải pháp hiện nay xem ra vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những hoàn cảnh khác trong xã hội chưa có điều kiện đăng ký học hình thức này.

Tới Phần 3 “Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?” cũng là phần cuối của bài viết này, chúng ta sẽ nói ngắn gọn về một vài tình huống lựa chọn tiếp theo của các du học sinh, và sau cùng sẽ đặc biệt nhấn mạnh về một sự thật không hề dễ chịu, nhưng rất cần chú tâm rèn luyện cho thuần thục để có thể an vui chấp nhận nó trong cuộc sống con người, đó là: thời gian không tích lũy.

Cho đến nay chưa ai xác định khi nào đại dịch sẽ dứt hẳn hay hạ nhiệt tối đa và hy vọng sẽ sớm đến ngày đó, nhưng bất luận điều gì đang xảy ra, cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp diễn. Tuy đề tài chính của bài viết là “Gửi du học sinh về nước lánh dịch”, nhưng cũng có du học sinh vẫn chưa về nước. Vì vậy, để có góc nhìn tổng quát hơn, có ít nhất ba trường hợp lựa chọn đối với các du học sinh nói chung như sau:

[*] Trường hợp 1:

Vẫn ở nước ngoài dù trong tâm dịch, xã hội bất ổn cùng với những khó khăn khác, xem như chấp nhận thử thách này như một phần của cuộc sống. Khi ra quyết định như vậy, chắc hẳn gia đình bạn đã xác định một kế hoạch dài hơi ngay từ đầu rồi. Quả vậy, nếu trường của bạn có giải pháp mở cửa dạy tập trung giới hạn một số ngày nào đó trong tuần, thì về nước làm gì khi học chưa xong, mà về nước rồi liệu quay trở lại có dễ dàng hay không khi các chuyến bay giữa hai đầu vẫn còn đóng băng hoặc nước sở tại có những thay đổi xiết chặt về nhập cảnh.

Nếu thế, thà ở bên đó học xong rồi tìm đường tính tiếp. Thay vì một năm về nước thăm gia đình một lần, nay vì dịch bệnh nên hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết. Kế hoạch này hoàn toàn khả thi nhờ sức mạnh kinh tế của gia đình bạn, vì nếu không có tình hình tài chính vững mạnh thì làm sao bám trụ nổi ở nước ngoài trong tình hình phức tạp như hiện nay.

[*] Trường hợp 2: 

Về nước lánh dịch, học tạm online, chưa xác định có đi nước ngoài nữa hay không, thậm chí ở lại Việt Nam lâu dài. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, do bạn thay đổi ý định, chuyển hướng ngành học hoặc tìm được một cơ hội khác hợp với mình ở trong nước. Có khi gia đình bạn khuyên không nên đi du học nữa do lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp cộng với tình hình xã hội bất ổn, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Về đây rồi có thể bạn tìm ra một lời giải đáp thích đáng, đó là ở đâu cũng phải siêng học, ở đâu cũng phải chăm làm, nay vì dịch bệnh bạn về nước sống gần bố mẹ, gần gia đình, và với trình độ tiếng Anh khá giỏi của mình thì đâu có thiếu cơ hội dành cho những người trẻ tuổi như bạn đâu. Nếu ứng với trường hợp này, bạn hãy cố gắng hoàn tất chương trình quốc tế online theo giải pháp của trường đại học ở bên đó, và tranh thủ học thêm hay làm thêm việc gì đó ở bên này mà mình cảm thấy hứng thú nhất, đừng lãng phí thời gian trống như đã bàn trong Phần 2.

Nếu không rơi vào trường hợp 2, có lẽ trường hợp 3 ngay dưới đây đang chờ đợi bạn đấy.

[*] Trường hợp 3: 

Về nước lánh dịch, học tạm online, nhất quyết quay trở lại nước ngoài ngay khi có cơ hội. Nếu sắp tới có nhiều quốc gia trên thế giới bàn bạc và đi đến quyết định “sống chung với dịch”, đây sẽ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho quyết tâm của bạn. Họ lập luận rằng việc đóng cửa kinh tế kéo dài sẽ gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng và tồi tệ hơn, vì có khi chưa chết vì dịch mà chết vì đói. Còn việc mở cửa kinh tế thận trọng từng bước, kết hợp với giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân và biện pháp chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc sẽ là quyết sách chấp nhận được, vì dung hòa được nhiều lợi ích trong xã hội.

Như bạn cũng biết, trước khi xuất hiện Coronavirus/ Covid-19 đầu năm 2020, suốt mấy thập niên qua bệnh cúm mùa cũng đáng sợ đối với nhiều người Mỹ. Hàng năm, dịch cúm này đã gây thiệt mạng cho hàng vạn người lớn và trẻ em và khiến hàng trăm ngàn người dân nước này phải nhập viện điều trị với biết bao tổn thất về nhân mạng và tiền của, nhưng nước Mỹ có đóng cửa kinh tế vì cúm mùa đâu, rốt cuộc cũng phải tìm cách thích ứng sống chung với dịch thôi.

Đồng ý rằng Coronavirus/ Covid-19 còn quá mới mẻ, trong thời gian đầu có thể chưa hiểu rõ về nó, nên cảm thấy hoang mang, lo lắng, thậm chí sợ hãi. Tuy nhiên, chúng ta hãy giữ bình tĩnh, sống tích cực, chấp hành nghiêm túc hướng dẫn phòng bệnh của nhà chức trách và thể hiện tinh thần trách nhiệm cá nhân đối với gia đình, cộng đồng và xã hội để cùng hợp tác thực hiện cách ứng phó hiệu quả nhất, tức là vừa học tập, vừa làm việc, vừa sinh hoạt, vừa phòng dịch.

Từ đầu năm 2020 cho đến nay, tức hơn bảy tháng trôi qua mà sức khỏe của bản thân mình vẫn bình thường thì hãy tiếp tục phát huy như vậy, ít nhất ta cũng đã tự điều chỉnh và thích nghi được với cách thức tổ chức cuộc sống và sinh hoạt mới trong gia đình mình. Do vậy, đóng cửa kinh tế chỉ là giải pháp tạm thời ngắn hạn, chứ không phải giải pháp muôn đời vô hạn.

Với viễn cảnh đó, khi các chuyến bay chặng quốc tế được nới lỏng, giá vé về mức hợp lý, vaccine trị bệnh đã có, các trường đại học mở cửa đón bạn quay trở lại, xét duyệt visa quốc tế bớt khắt khe hơn…, chắc chắc sẽ có nhiều bạn háo hức đóng gói hành trang lên đường thôi, đơn giản vì bạn thuộc mẫu người không bao giờ bỏ cuộc, khi bạn có sức khỏe tốt, tình hình tài chính mạnh và chưa thay đổi ý định khác. Khi bạn vẫn quyết định ra nước ngoài tiếp tục việc học dở dang, chắc hẳn bạn đã ấp ủ nhiều kế hoạch dài hơi khác, chứ không chỉ đơn thuần là chuyện học hành.

Ngoài ba trường hợp nêu trên, có thể sẽ còn nhiều tình huống khác nữa. Tuy nhiên, bất luận chuyện gì xảy ra, chúc bạn giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt cẩn trọng, gặp nhiều may mắn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Hy vọng mỗi quyết định của bạn đều hợp lý, sáng suốt và đừng quên: không bao giờ bỏ cuộc.

Thà rằng không học, không học nửa vời

Thà rằng không làm, không làm nửa vời

Thà rằng không yêu, không yêu nửa vời

Thà rằng không sống, không sống nửa vời.

Hãy dấn thân lăn xả trong mọi hành động với bốn động từ chủ lực “học, làm, yêu, sống” với tất cả trái tim, với tất cả khối óc, với tất cả tâm tình và với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ của bạn.

 

3.2. Thời gian không tích lũy

Phần lớn các bạn trẻ bây giờ ở tầm tuổi 20, một độ tuổi quá đẹp trên con đường học tập hiện nay và trong quá trình lập nghiệp sau này. Nếu tính trăm năm kiếp người như người xưa thường nói, quỹ thời gian của bạn còn dư dả, nếu không muốn nói là dồi dào.

Tác giả trong chuyến thăm New York

Lứa tuổi này cho phép bạn thực hiện nhiều khám phá, nhiều trải nghiệm, thậm chí phiêu lưu, mà nếu có sơ suất hay thiếu sót gì đó thì cũng chẳng đáng lo ngại. Cuộc đời này ai mà chẳng mắc phải sai lầm vì chúng ta có phải là thánh nhân đâu. Vấn đề là khi xảy ra sơ suất, bạn vẫn còn rộng thời gian để sửa chữa nó, nhưng có kẻ không còn nhiều thời gian để khắc phục hậu quả nữa, nếu có thì với cái giá vô cùng đắt đỏ.

Thực tế là có rất nhiều người trên thế gian này đang nằm trên đống vàng cao chót vót, nhưng quỹ thời gian lại sắp cạn kiệt, không thể cứu vãn gì được nữa. Có khi người ta sẵn sàng trao đổi hết đống vàng đó chỉ để đổi lại một phần nhỏ của tuổi thanh xuân sáng ngời như bạn đang có, nhưng vô phương vô vọng, vì chẳng có ai bán. Đây là một “thị trường” bất cân xứng đến khắc nghiệt, chỉ xuất hiện duy nhất người mua, mà không hề có người bán.

Nếu hiểu đống vàng nói trên theo nghĩa đen thông thường thì cũng được, nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng thì có nghĩa là bản thân trong mỗi chúng ta đều có những tiềm năng quý báu với những giá trị nội tại tuyệt vời không phải ai cũng có, nhưng lại không để ý, lại lãng phí mà không biết sử dụng đúng mục đích, cứ chạy theo những mục tiêu hão huyền hay huyễn hoặc, để rồi thời gian cứ trôi đi trong một kiếp nhân sinh.

Nếu giả sử có cái gọi là bảng giao dịch điện tử của “Sàn giao dịch môi giới thời gian” với hàng hóa đặc trưng của nó là đơn-vị-thời-gian, bạn chỉ thấy các lệnh đặt mua dầy đặc hàng hàng lớp lớp, ai sắp cạn kiệt thời gian có lẽ sẽ phải đặt giá cao hơn cho một kiếp người ngắn ngủi, nhưng nhìn về chiều đặt lệnh bán lại hoàn toàn trống vắng chiều nay, trống lặng chiều mai, chẳng hề có và mãi mãi sẽ không bao giờ có một giao dịch chào bán nào để “khớp lệnh” với hàng hóa thời gian đó.

Hình ảnh về cái “Sàn giao dịch thời gian” tưởng tượng đó như thầm nhắc nhở không chỉ cho riêng bạn, mà cho tất cả chúng ta một sự thật đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ, đó là: đời sống nhân sinh vô cùng quý giá và đắt giá. Hy vọng bạn biết tận hưởng được cuộc sống đó bằng quỹ-thời-gian-bất-khả-tích-lũy của mình một cách hữu ích nhất về vật chất lẫn tinh thần trong chuyến du hành trần thế này./.

--- HẾT ---

 

-----
mộc.thếkhông
(Kingsley Truman Tran)

gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo

 

[Music Blog]       : mocquockhanh.blogspot.com

[Finance Blog]    : mocphuckhang.blogspot.com

[Zen Blog]          : mocthekhong.blogspot.com

[LinkedIn]         : https://www.linkedin.com/in/tran-trong-quoc-khanh/

[YouTube]         : https://www.youtube.com/user/mocquockhanh69/

[Facebook]         : https://www.facebook.com/mocquockhanh

[E-mail]              : moc.quockhanh@gmail.com

09 06 99 99 00


Wednesday, August 12, 2020

[topic] GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH - Phần 2: An toàn thân mạng cứ học trên mạng

 

GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

PHẦN 2: AN TOÀN THÂN MẠNG CỨ HỌC TRÊN MẠNG

 

Sài Gòn, 11/08/2020  |  moäc . theákhoâng

 

Tóm tắt tiểu mục:

2.1. Điểm chung chuyến du học

2.2. Tạm thời học online

2.3. Đừng để trống thời gian

2.4. Viễn cảnh học online

2.4.1. Đại dịch chưa dứt hẳn

2.4.2. Nhớ thời học hàm thụ

2.4.3. Chuyển biến học online

2.4.4. Giúp trẻ quen công nghệ

2.4.5. Lợi ích học online

 

Phần 2: An toàn thân mạng cứ học trên mạng

2.1. Điểm chung chuyến du học

Rất thông cảm với tình cảnh chung của một số du học sinh khi việc học hành bị gián đoạn, tạm thời rút về nước, không như kế hoạch ban đầu. Thế nhưng, qua những đợt sơ tán bằng đường hàng không này, mới thấy nước ta ngày càng có nhiều người đi du học, chứng tỏ kinh tế gia đình hay kinh tế tư nhân đã khấm khá lên, mới đủ điều kiện trang trải tiền học phí, sách vở, lưu trú, ăn ở, đi lại, sinh hoạt và những chi phí khác cho con em mình ở bên đó.

Rõ ràng bố mẹ bạn đã rất chịu thương chịu khó, tiết kiệm tiền nong để thu xếp chu toàn cho bạn được hưởng một nền học vấn tiên tiến như nhiều người mơ ước. Có khi ngay trong gia đình bạn, có người anh, người chị sẵn sàng nhường suất du học cho bạn, nếu như bố mẹ bạn chưa thể lo hết cho cả nhà. Qua những nét sơ bộ đó, phần lớn các bạn đều đến từ khu vực tư nhân. Tất nhiên, không phải mọi du học sinh đều đến từ khu vực này, mà còn có những thành phần khác trong xã hội, có thể tạm gộp chung vào khu vực phi tư nhân.

Dù xuất thân từ khu vực tư nhân hay thoát thân từ khu vực phi tư nhân, dễ dàng rút ra những điểm giống nhau nổi bật về đích đến yêu thích trong hành trình du học của các bạn như sau:

-       Đó là thế giới tư bản, chẳng hạn như America, Canada, Australia. Khu vực tư nhân chấm chọn chỗ này thì không có gì lạ cả, còn khu vực phi tư nhân cũng chọn chỗ này thì không có gì lạ à?

-       Đó là khu vực nói tiếng Anh (đôi khi có thể chêm tiếng “em” vào với người Việt mình bên đó cũng không sao).

-       Đó là nơi ngoại tệ mạnh lên ngôi (trong khi tiền tệ yếu chưa kịp cướp ngôi).

-       Đó là nơi hội tụ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện, nhà sách tầm cỡ quốc tế.

-       Đó là nơi hiện diện của nhiều tập đoàn lớn hay doanh nghiệp nhỏ để tìm chỗ thực tập phù hợp.

-       Đó là nơi tạo nhiều cơ hội kết nối đa dạng trong việc làm hoặc trong nghiên cứu.

-       Đó là nơi thu học phí đào tạo rất cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt.

-       Đó là nơi đề cao tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do luyến ái, tự do hôn nhân, kể cả tự do bồng súng (the right to keep and bear arms).

Sơ bộ chúng tôi chỉ ghi nhận được tám nét đại cương nói trên, nếu bạn có gì cần bổ sung, rất sẵn lòng được lắng nghe. Tất nhiên, ngoài các nước thuộc khu vực nói tiếng Anh nói trên hay một số nước dân chủ phương Tây ra, không loại trừ những điểm đến khác trên quả địa cầu này tùy vào nhu cầu thực tiễn của mỗi người, chẳng hạn như China vốn không xa, cũng chẳng lạ. Còn cán cân chọn lựa thực tế nghiêng về khu vực địa lý nào thì có lẽ bạn rành hơn chúng tôi nhiều, vì bây giờ là thời của bạn.

Tác giả trong một lớp học ở Thụy Sĩ

2.2. Tạm thời học online

Nếu bạn đã trở về Việt Nam bình an vô sự và các trường ở nước ngoài có thiết lập nền tảng đào tạo trực tuyến (online) trong thời gian tạm ngưng dạy tập trung, chắc hẳn bạn cũng nên tham gia nếu vẫn còn thiết tha, vì đằng nào tiền học cũng đã đóng rồi và đó cũng là giải pháp khả dĩ nhất để vừa học vừa giữ liên lạc với trường, chứ chẳng thể làm gì khác được.

Nếu bạn là người hiếu học với học lực khá giỏi trở lên, việc học tập trung hay học online cũng không thành vấn đề với bạn, bởi vì với ý thức tự giác sẵn có bạn luôn tìm cách vượt mọi khó khăn, chứng tỏ sự quyết tâm vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đối với những người có học lực trung bình khá, cũng nên xem đây là cơ hội để nỗ lực hơn trước.

Tuy nhiên, bất luận học lực như thế nào và chuyên ngành đã chọn ra sao, phải thừa nhận rằng việc học online trong những thời kỳ đầu có những hạn chế nhất định, nhất là đối với những người chưa có văn bằng như sau:

-       Không có cơ hội tương tác tại chỗ với đội ngũ giảng viên, trợ giảng.

-       Không thể học nhóm với bạn bè và tham gia hoạt động ngoại khóa cùng sở thích.

-       Không tiếp cận cơ sở vật chất sẵn có của trường, như phòng học, phòng chiếu, phòng tập, phòng nghỉ, đặc biệt thư viện giúp bạn tra cứu các nguồn tư liệu học thuật phong phú để hoàn thành các bài nghiên cứu theo quy định.

-       Không có cơ hội xây dựng mối quan hệ với môi trường kinh doanh sôi động để có thể tìm chỗ thực tập hay tìm việc làm sau này.

-       Cơ sở hạ tầng về chất lượng đường truyền kết nối và an toàn dữ liệu cá nhân trên mạng có thể chưa đạt tối ưu, cần phải hoàn thiện thêm về tính an ninh, bảo mật.

-       Thiếu cơ hội rèn luyện ngoại ngữ và phát âm chuẩn với người dân bản xứ.

Trừ phi bạn nào đã có một văn bằng rồi, bây giờ muốn học chuyên sâu hoặc học cao hơn, thì học online cũng ổn. Tuy nhiên, đối với đa số du học sinh đang còn học dở dang ở năm nhất hoặc năm hai, tức tầm khoảng 20 tuổi, thì những người này rất cần môi trường học đường tương tác trực tiếp tại chỗ với nhau, xứng đáng với thời gian, công sức, tiền bạc và những kỳ vọng mà gia đình đã đầu tư cho đi học nước ngoài. Họ lo ngại chất lượng đào tạo online không hiệu quả bằng học tập trung.

Sự tương tác mật thiết giữa thầy trò và các sinh viên với nhau là vô cùng quan trọng trong việc phát triển đầy đủ các kỹ năng cần thiết trong học tập, nghiên cứu, giao lưu, sinh hoạt. Máy tính là máy tính, lớp học là lớp học, không nên quá đề cao cái nào hết, nhưng rõ ràng máy tính như chức năng của nó nên là phương tiện phục vụ đắc lực bên cạnh lớp học. Con người không phải là cỗ máy để lúc nào cũng đối diện với màn hình máy tính. Lưu ý việc học online kéo dài và liên tục có thể sẽ gây căng thẳng thần kinh, nếu không biết kết hợp khéo léo với hoạt động thể chất như tập thể dục dụng cụ (gym) hoặc giải trí nghệ thuật như âm nhạc.

Hơn nữa, về mặt học phí khi bố mẹ bạn chấp nhận đóng học phí cao là để bạn có cơ hội được đào tạo tập trung ở nước ngoài như cam kết, mới xứng đáng đồng tiền bát gạo, chứ không phải học online. Học phí đào tạo mỗi nơi mỗi khác tùy vào khu vực địa lý, chi phí sinh hoạt, chuyên ngành đào tạo và những yếu tố khác, nhưng cứ lấy tạm mức trung bình khoảng 40.000USD/năm (gần 1 tỷ VND), thì đây là con số không hề nhỏ. Chỉ có bố mẹ bạn mới biết rõ một năm phải chi cho bạn tổng cộng bao nhiêu.

Nhưng có ai đâu ngờ vì dịch viêm phổi đó học viên cách ly nhau. Nay nhà trường đóng cửa không cho bạn học, học xá đóng cổng không cho bạn ở với biết bao khó khăn khác ở xứ người, việc học tập trung bị gián đoạn đột ngột và thay thế bằng học online, làm bạn mất khá nhiều quyền lợi và cơ hội, mà nguyên nhân chẳng phải do bạn gây ra, thì có lẽ nên tìm cách thương lượng lại học phí hợp lý với nhà trường như một chia sẻ trách nhiệm chung, vì tính chất, điều kiện và môi trường đào tạo đã thay đổi đáng kể.

Một trong những thiệt thòi lớn đó là bạn không thể tiếp cận tại chỗ cơ sở vật chất của trường, đặc biệt là thư viện và các công trình nghiên cứu của giới học thuật ở đó. Kể cả khi nhà trường có tạo cho bạn một tài khoản để tha hồ truy cập thư viện online với đủ loại sách vở đi chăng nữa, thì cũng không sướng bằng vào thư viện ngồi đọc những quyển sách gốc yêu thích trên tay. Sách gốc giúp bạn trích dẫn nguồn tư liệu chính xác như tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm phát hành, số trang…, còn sách online có thể bị định dạng khác sách gốc để giảm dung lượng. Giải pháp của bạn sẽ là đăng ký đặt mua sách gốc cần thiết tại trường với mức chiết khấu dành cho sinh viên.

Nếu ngay từ đầu mà nhà trường đưa ra mức học phí cao chỉ để dạy online, thì dễ dầu gì bố mẹ bạn chấp nhận, vì học phí trọn gói phải được hiểu bao gồm cả chi phí cơ hội dành cho bạn nữa. Với số tiền đó, gia đình bạn dư sức tìm ra nhiều chỗ dạy online cạnh tranh hơn ngay bây giờ hoặc trong tương lai gần, thậm chí thà học chương trình quốc tế ở Việt Nam, vừa thấp về học phí, vừa lành về sức khỏe. Tuy nhiên, đây là khó khăn ngoài ý muốn, và hy vọng rằng bạn và nhà trường sẽ tìm ra một tiếng nói chung để tháo gỡ những vướng mắc trên tinh thần thiện chí.

 

2.3. Đừng để trống thời gian

Nếu trường học ở nước ngoài của bạn có giải pháp dạy online tạm thời cho sinh viên, chắc hẳn sau giờ học online đó thời gian trống trong ngày của bạn cũng còn rộng rãi. Cứ cho là bạn còn phải dành thêm thời gian để tự ôn bài giáo trình của lớp, tự đọc sách nghiên cứu ở nhà, giống như thời gian phải lên thư viện ở nước ngoài, thì khung thời gian trống có lẽ vẫn thoải mái hơn, vì giờ đây bạn học ở nhà, đâu mất thời gian di chuyển đến lớp như trước nữa.

Ngoài ra, nếu biết tận dụng khéo léo sự chênh lệch múi giờ giữa hai nước sẽ giúp bạn chủ động lập kế hoạch học tập hơn. Ví dụ, nếu trường bên Mỹ dạy online buổi sáng, thì ở Việt Nam đã là buổi tối cùng ngày (đi trước khoảng 12 tiếng), nên bạn tha hồ có thời gian trống vào mỗi buổi sáng theo giờ Việt Nam. Vì thế, để lấp khoảng thời gian trống trải đó một cách hiệu quả, bạn nên tranh thủ, tận dụng khoảng trống này để học thêm những môn năng khiếu yêu thích nhất nhằm rèn luyện kỹ năng mà mình bỏ dở hoặc chưa thực hiện được trong những năm trước.

Chẳng hạn như học guitar, học piano, học ngoại ngữ khác, học vẽ, học thư pháp, học lập trình, tập yoga, tập gym, rèn luyện thêm môn thể thao yêu thích để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể, mà có thể gộp chung là hoạt động ngoại khóa có tính chất thư giãn và giải trí lành mạnh bên cạnh việc học chữ. Biết rằng nhiệm vụ chính của bạn bây giờ là học chữ, nhưng không phải bất cứ lúc nào trong ngày cũng phải nhồi nhét đầy ắp chữ nghĩa trong đầu cả.

Đối với những môn năng khiếu này, học phí hay phí thành viên ở nước ngoài sẽ đắt hơn nhiều so với ở trong nước, đó là chưa kể chắc gì bạn có dư thời gian để học chúng ở nước ngoài. Ví dụ, nếu bạn có điều kiện học thêm piano ở nước ngoài, xin chúc mừng bạn, nhưng có lẽ đó không phải là trường hợp đa số của các du học sinh. Nếu không tận dụng sớm từ bây giờ, sau này khi cần đến kỹ năng đó lại tiếc vì trước đây có điều kiện thuận lợi với chi phí thấp mà không nghĩ đến.

Ngoài ra, nếu có hứng thú và muốn thử thách chính mình, bạn có thể tìm kiếm một công việc ngắn hạn, bán thời gian nào đó phù hợp với khả năng hay điểm mạnh của mình nhất để lấy kinh nghiệm thực tế. Ví dụ nếu giỏi tiếng Anh, sao không thử tham gia hỗ trợ giảng dạy cho lứa tuổi trẻ em, kể cả với vai trò tình nguyện viên. Việc này sẽ rất có lợi cho những nỗ lực đáng ghi nhận của bạn nếu sau này bạn vẫn quyết định quay ra nước ngoài học tiếp, vì sơ yếu lý lịch (CV) của bạn vẫn được cập nhật dù trong hoàn cảnh khó khăn. Rõ ràng muốn bổ sung thêm những kỹ năng hữu ích và gây ấn tượng nào vào trong CV là hoàn toàn tùy thuộc ở bạn.

Bây giờ bạn còn trẻ và chưa vướng bận chuyện gia đình con cái thì làm gì có chuyện không có thời gian đi tập gym. Bạn có điều kiện tài chính để đi du học thì lẽ nào lại không có tiền đi học đàn. Vấn đề là bạn có đủ ý chí thực hiện hay không mà thôi, và những điều này hoàn toàn có lợi cho đời sống thể chất và tinh thần của bạn xét về lâu dài. Có thể nói chưa bao giờ bạn tận hưởng được hoàn cảnh thuận lợi như hiện nay, ít nhất cũng hơn nhiều so với thời của ông bà bố mẹ chúng ta.

Nói chung, bạn nên tận dụng giai đoạn này để học hỏi, trau dồi, tích lũy, phát huy những năng khiếu tiềm năng và thỏa mãn những đam mê lành mạnh của mình trước khi tuổi thanh xuân trôi qua. Điều quan trọng là miễn sao bạn cảm thấy mình sống có ích cho gia đình, cho xã hội và cho bản thân, và luôn duy trì suy nghĩ và động lực tích cực trong mọi tình huống.

Tác giả dưới tầng hầm một ký túc xá ở Thụy Sĩ

 

2.4. Viễn cảnh học online

Ở phần trên, việc học online giả định chỉ là tạm thời, nhất thời thôi, thế nhưng nếu nó không còn tạm thời nữa, mà sẽ là thức thời, hiện thời luôn thì sao? Tại sao lại như thế?

Bởi vì đời không như là mơ, dịch bệnh chưa hết, vaccine đang tìm, miễn dịch cộng đồng chưa thông, nhà trường đóng cửa, học xá đóng cổng, hàng không đóng băng, nhập cảnh hạn chế, xét nghiệm nghiêm ngặt, cách ly tập trung, xã hội bất ổn, môi trường bất an, thất nghiệp tràn lan, cơ hội chóng tàn, bố mẹ bạn vẫn chưa an tâm cho bạn quay lại đi du học tiếp.

Nếu vậy thì càng hay, thà rằng như thế, đành rằng như thế, khỏi phải đắn đo suy nghĩ nữa, mà sẽ quyết định lựa chọn điều gì hợp lý nhất.

 

2.4.2. Nhớ thời học hàm thụ

Cần biết rằng không phải vì sự xuất hiện của đại dịch Coronavirus/ Covid-19 đầu năm 2020, mà bây giờ các trường đại học mới có sáng kiến về việc tổ chức hình thức học phi tập trung, học không cần đến lớp, mà người Việt mình gọi là học hàm thụ. Thật vậy, người ta đã áp dụng chương trình học đại học hàm thụ này từ lâu rồi, theo đó mọi giáo trình, bài vở, tiểu luận, luận văn hay công trình nghiên cứu đều gửi qua đường bưu điện.

Người Anh-Mỹ gọi khóa học hàm thụ là “a correspondence course” và họ đi tiên phong trong lĩnh vực này từ thế kỷ XIX. Theo đánh giá chung, hình thức đào tạo này phù hợp với những người đã trưởng thành, có văn bằng chuyên môn hay trình độ nhất định về một ngành nghề nào đó rồi, nay có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức hoặc nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, bây giờ đã là thế kỷ XXI rồi, không như hồi thế kỷ XIX nữa, trong đó việc trao đổi thư tín dưới hình thức tài liệu in ấn đã được hạn chế tối đa để tiết kiệm giấy, trừ trường hợp nộp luận văn tốt nghiệp, trao bản gốc văn bằng, thư xác nhận của trường hoặc những trường hợp cần thiết khác. Nhờ sự tiến bộ công nghệ của máy vi tính, Internet, e-mail, truyền thông đa phương tiện (audio, video), hình thức đào tạo online được cải tiến đáng kể trong thời đại văn minh kỹ thuật số.

Từ tên gọi trong thời kỳ đầu là “correspondence course”, nay để phù hợp với xu hướng thời đại ứng dụng công nghệ, các nước phương Tây đã sử dụng thêm một số từ ngữ mới như: online education, distance education, online learning, e-learning, m-learning, distance learning, distributed learning, virtual classroom…, còn chúng ta thường dùng những chữ như: học từ xa, học trực tuyến hoặc học online.

 

2.4.3. Chuyển biến học online

Khoan nói chuyện học online có trở thành xu hướng thời đại hay không, chỉ cần việc này kéo dài thêm vài năm nữa, thì các trường đại học ở nước ngoài sẽ buộc phải xem xét giảm học phí cho cả hai hình thức đào tạo tập trung và online. Họ sẽ cạnh tranh nhau trên mọi phương diện để thu hút các sinh viên trong nội địa và từ nước ngoài, bởi vì nếu không đổi mới công nghệ hoặc không cạnh tranh nổi sẽ buộc phải đóng cửa. Thà giảm học phí trên mỗi đầu người, bù lại hy vọng sẽ thu hút số lượng nhiều sinh viên ghi danh hơn ở hệ tập trung và hệ online, còn hơn là tụt giảm hoặc thậm chí không có nguồn thu nào.

Các trường đại học ở nước ngoài tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh đào tạo online ít nhiều sẽ kéo theo các trường ở trong nước đổi mới hòa nhịp chung trong một chừng mực nào đó. Các tổ chức đào tạo trong nước có thể mời các giáo sư, giảng viên nước ngoài có năng lực cộng tác dạy online cho các chương trình cấp bằng quốc tế, chỉ dạy bằng tiếng Anh ở Việt Nam. Xem ra sắp tới có thể chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh sôi động về giáo dục online ở bậc đại học và sau đại học.

Không chừng với viễn cảnh học online đó, sau này hoặc sắp tới bạn sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn học song song nhiều chương trình yêu thích cùng một lúc với khung thời gian linh loạt như mong muốn, miễn sao hoàn thành đầy đủ các tín chỉ theo yêu cầu, rút ngắn thời gian học tập, mà không nhất thiết phải xa gia đình, rời đất nước nữa.

Trước đây việc học hàm thụ chỉ phù hợp với những ai đã có một văn bằng, nhưng đó là câu chuyện của thế kỷ XIX xa xưa. Nay tuy phần lớn các bạn mới vào đại học, tức chưa có văn bằng, nhưng giờ đã là thế kỷ XXI rồi, nếu phải học online, các bạn vốn đã trưởng thành, cộng thêm giỏi tiếng Anh và thạo vi tính nữa, thì sẽ nhanh chóng thích nghi. Lúc đầu có thể bỡ ngỡ, nhưng dần dần sẽ quen thôi, giống như quy định đội mũ bảo hiểm trước đây vậy. Bỡ ngỡ ở đây không phải là không rành về online, mà vì bạn thích học tập trung tại lớp có tương tác với nhau hơn.

Tất nhiên, việc học tập trung tại các trường đại học danh tiếng quốc tế là niềm tự hào rồi. Thế nhưng, việc học online sẽ mở rộng cánh cửa cơ hội cho những bạn hạn chế về tài chính, bớt được phí visa, phí bảo hiểm, vé máy bay, tiền thuê nhà, tiền di chuyển… cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể trong năm. Nếu bạn thông thạo bốn kỹ năng tiếng Anh theo yêu cầu đầu vào của mỗi trường, thì còn lo ngại gì nữa, cứ đăng ký ghi danh thôi. Chúng tôi tin chắc rằng dù hạn hẹp về tài chính, những bạn hiếu học không những học được, mà còn đạt kết quả tốt nữa.

Lấy mốc từ năm 2020 trở đi, lần lượt sẽ có nhiều bạn trẻ chuẩn bị hành trang vào đại học với mục đích đạt được một văn bằng đầu tiên theo chuyên ngành yêu thích. Giả sử bạn học xong chương trình quốc tế hệ online với kết quả mỹ mãn, không những bạn là niềm tự hào của bố mẹ, mà còn truyền cảm hứng tạo động lực mạnh cho các thế hệ đàn em noi theo. Sự thích nghi và thành công của bạn trong hình thức học online này sẽ góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường quốc tế trong và ngoài nước. Nói cách khác, thời cuộc đã trao cho bạn một cơ hội lịch sử để trở thành người tiên phong thành công trong việc học online.

 

2.4.4. Giúp trẻ quen công nghệ

Ở một góc nhìn khác, nếu việc học online trở thành một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 nhằm tránh lây nhiễm Coronavirus/ Covid-19 và mọi loại ôn dịch tiềm ẩn khác để bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người, nhất là trẻ em, cuộc cách mạng giáo dục này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới bạn không đâu, mà còn tác động sâu rộng đến các thế hệ đàn em còn đang chập chững ở bậc phổ thông và cách thức tổ chức công việc và sinh hoạt hàng ngày của các gia đình trên khắp cả nước.

Thật vậy, chúng ta chỉ lo cho các bé khi buộc phải học online thôi, vì khi đó bố hoặc mẹ phải ở nhà trông con nếu không có ai khác đáng tin cậy để giao phó như đã từng trải nghiệm trong giai đoạn cách ly toàn xã hội ba tuần trong tháng 04/2020. Các bé mới ở cấp 1, cấp 2 thôi mà phải học online thì thiệt thòi quá, nhất là ở độ tuổi rất cần sự tương tác với thầy cô, vui chơi với bạn bè trong lớp để được uốn nắn về cách ăn, cách nói, cách học, cách viết trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Trong thời kỳ cách ly toàn xã hội nói trên, chúng ta có dịp chứng kiến các bé học online ra sao rồi. Gia đình nào có bố mẹ nghiêm khắc trong giáo dục thì con cái sẽ bật máy đúng giờ và học nghiêm túc như ở trường. Theo kinh nghiệm cá nhân, các học sinh khối cấp 3 sẽ dễ thích nghi với việc học online hơn, còn đối với các khối còn lại, chủ yếu nhắc nhở nhẹ nhàng thôi vì tính hiếu động và chưa tự ý thức của trẻ. Tuy nhiên, không phải trường trung học nào cũng triển khai dạy online, vì điều kiện cơ sở vật chất và khả năng ứng phó tình huống. Ngoài ra, không phải gia đình nào cũng lắp sẵn máy tính cho con học online ở nhà.

Vì vậy, nếu buộc phải tái diễn việc dạy online trên diện rộng với thời gian kéo dài, cần phải khảo sát khả năng chuẩn bị đồng bộ của các trường học và cần có sự hỗ trợ của nhà nước về thiết bị học tập, phủ sóng Wifi…, đặc biệt dành cho những gia đình có con nhỏ và gặp khó khăn, như một giải pháp kích cầu giáo dục nội địa, đảm bảo rằng không một trẻ em nào đến tuổi ăn học lại bị bỏ rơi phía sau và việc phổ cập giáo dục online không phải là một đặc quyền của bất kỳ ai trong xã hội.

 

2.4.5. Lợi ích học online

Bên cạnh những bất lợi hiển nhiên của việc học online, hình thức này cũng có một số thuận lợi nhất định như sau:

-       Không cần xuất ngoại, tiết kiệm phí visa, phí bảo hiểm, vé máy bay, tiền thuê nhà và chi phí khác ở nước ngoài.

-       Không cần đến lớp, giảm chi phí đi lại, tránh kẹt xe tắc đường ở trong nước.

-       Mọi tài liệu/ giáo trình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh sẽ được số hóa hết, không cần in ấn để tiết kiệm giấy. Ai cần bản giấy thì trả phí cho trường hoặc tự in.

-       Tiếp cận thư viện online của trường theo từng chuyên ngành cụ thể.

-       Đề cao ý thức tự học của mỗi người, chủ động thời gian hoàn thành tín chỉ.

-       Có thể linh hoạt học song song nhiều môn học hoặc chuyên ngành.

-       Khuyến khích những hình thức thi vấn đáp, thuyết trình online, đánh giá khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn của sinh viên.

-       Hạn chế gian lận trong thi cử.

Hiện nay các trường đại học ở nước ngoài đang chạy đua gấp rút trong việc chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, trong đó sẽ đặc biệt quan tâm đến đào tạo online, vì tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Hai hình thức đào tạo tập trung và online cho thấy mỗi hình thức đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, không có hình thức nào là hoàn toàn ưu việt. Chúng nên tồn tại song song ngay trong một học đường và không ngừng được cải tiến để tạo cơ hội lựa chọn cho sinh viên. Tùy vào sở thích và điều kiện của mỗi cá nhân, bạn này thích học tập trung, bạn kia thích học online.

Các trường có thể tổ chức đào tạo tách riêng giữa hai hệ tập trung và online ra với nhau hoặc kết hợp các buổi dạy tập trung tại lớp đều được phát trực tuyến (livestream) để cho những ai đăng ký học online có thể theo dõi luôn, giúp giảng viên khỏi phải giảng bài hai lần. Nên lưu ý thảo luận kỹ vấn đề bảo mật an ninh mạng, lưu trữ dữ liệu học tập và sử dụng thông tin cá nhân, vì có thể có một số sinh viên không muốn hình ảnh của mình được phát video trực tiếp trên mạng.

Các trường đại học danh tiếng quốc tế có lợi thế về thương hiệu để dạy online, nhưng đôi khi lại chậm chạp, bảo thủ hay quan liêu do cái bóng quá khứ quá lớn. Nếu thế đó lại là cơ hội tuyệt vời cho những nhà khởi nghiệp xông xáo muốn xây dựng hệ thống/ nền tảng đào tạo online. Ngoài ra, bạn cùng với bố mẹ cũng nên xem kỹ thông tin về nhà đào tạo, tránh bị rơi vào cạm bẫy lừa đảo giáo dục quốc tế online.

Học phí hệ online được kỳ vọng sẽ thấp hơn so với hệ tập trung, như một chính sách ưu đãi dành cho những ai hạn chế về tài chính và ở xa trường, trên tinh thần sử dụng sức mạnh công nghệ online để lan tỏa kiến thức đến khắp nơi. Tuy nhiên, giảm học phí chứ không giảm chất lượng đào tạo, tuyển sinh đầu vào có thể mở rộng cho nhiều đối tượng, nhưng kết quả đầu ra phải thật nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực của sinh viên tốt nghiệp.

Xuyên suốt vài thế kỷ qua, những hình thức tổ chức đào tạo đã thay đổi thích ứng qua từng thời kỳ vì mục đích phục vụ tối ưu nhu cầu học hỏi của con người. Xưa nay du học vẫn là một trong những hình thức yêu thích đối với người có điều kiện tài chính, vì không chỉ được học ở nước ngoài, mà còn trải nghiệm cuộc sống thực tế ở bên đó. Sang giai đoạn hàm thụ, khi bạn đã có một văn bằng rồi, nay muốn nâng cao kiến thức mà không thể đến lớp tập trung như trước, các trường có sáng kiến về dạy hàm thụ bằng cách gửi bài qua bưu điện, chủ yếu vào thời trước khi có Internet.

Khi bùng nổ thời kỳ du học tại chỗ, tức học ở trong nước theo các chương trình quốc tế do trường nước ngoài cấp bằng, sinh viên giảm nhiều gánh nặng chi phí, do không cần xuất ngoại nữa, cứ ở trong nước chủ động thời gian vừa học vừa làm việc khác, vì giảng viên từ nước ngoài sẽ bay qua dạy tại chỗ. Giữa cơn bão đại dịch tràn lan như hiện nay, trò ở nhà, thầy cũng ở nhà luôn cho nó lành nhé, và đành chấp nhận giải pháp mới: học lớp online ta an toàn không bệnh!

Dự kiến hình thức đào tạo online sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong viễn cảnh 5-10 năm tới, khi đó việc học này sẽ trở nên phổ biến và quen thuộc sau giai đoạn chuyển biến 2020-2025. Các nước phương Tây sẽ có nhiều cơ hội dẫn đầu trong lĩnh vực này, như đã từng tiên phong trong đào tạo đại học hàm thụ, đơn giản vì phần lớn các sinh viên nếu có điều kiện vẫn ưu tiên lựa chọn khu vực nói tiếng Anh để phát triển trình độ học vấn và xây dựng nghề nghiệp sau này.

Kết hợp hai câu chuyện giữa học tập trung và học online, dễ dàng nhận ra một sự thật giản dị nhưng vô cùng giá trị trong đời sống chúng ta, đó là đối với những người sống tích cực, suy nghĩ tích cực, hành động tích cực, họ luôn tìm cách thích nghi với hoàn cảnh dù có nghịch cảnh thay vì càm ràm than vãn. Nói cách khác, đối với những người sống lạc quan, yêu đời và hướng thiện, cho dù:

Đời không như là mơ, ta vẫn vui sống mờ!

(còn tiếp)


=> Phần 3: Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

_________________


moäc . theákhoâng
(Kingsley Truman Tran)
gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo

[Music Blog]   : mocquockhanh.blogspot.com
[Finance Blog]: mocphuckhang.blogspot.com
[Zen Blog]       : mocthekhong.blogspot.com
[E-mail]           : moc.quockhanh@gmail.com

☎ 09 06 99 99 00

 

Nguồn:  Blog Mộc Thế Không

https://mocthekhong.blogspot.com/2020/08/topic-gui-du-hoc-sinh-ve-nuoc-lanh-dich_12.html

https://www.facebook.com/mocquockhanh/posts/3804602246220043?notif_id=1597245945628708&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif





Sunday, August 9, 2020

[topic] GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH - Phần 1: Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường


GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

 

 Sài Gòn, 09/08/2020                                                                       moäc . theákhoâng

 

TÓM TẮT TỔNG MỤC


Phần 1:   Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường


Phần 2:   An toàn thân mạng cứ học trên mạng


Phần 3:   Ở lại quê hương hay vẫn tha hương?

 

Khi phác thảo bài viết này, lúc đầu chúng tôi đặt tựa đề là “Gửi du học sinh về nước lánh dịch Coronavirus/ Covid-19”. Sau đó nghĩ lại thấy nên bỏ cái tên gọi riêng của dịch bệnh, vì cho đến thời điểm này nếu nhắc đến nó thì hầu như ai cũng liên tưởng tới đại dịch Coronavirus/ Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, nên không sợ gây hiểu lầm hay ngộ nhận. Hơn nữa, cái tựa đề dài thiếu tính tổng quát, nên cuối cùng gút lại: “Gửi du học sinh về nước lánh dịch”.

 

Thông qua tin tức truyền thông, hầu như ai cũng biết trong số các công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về, có nhiều tầng lớp với hoàn cảnh khác nhau, chứ không riêng du học sinh. Lá thư gửi đến họ hôm nay chỉ mang một tâm tình muốn thảo luận thêm với các bạn trẻ trí thức đó, chứ không phân biệt giữa du học sinh và những người khác. Biết đâu trong số công dân quyết định về nước vừa rồi cũng có nhiều người đã từng trải qua đời sống du học sinh trước đó.

 

Tuy nhiên, dù bạn có là du học sinh hay không, dẫu bạn có về nước hay không trong bối cảnh đại dịch chưa kịp lắng dịu được bao lâu, nay lại đang tái xuất hiện đợt hai trên toàn thế giới, không cần nhắc chắc bạn cũng biết tự lo cho bản thân, tránh mọi tiếp xúc hay tụ tập không cần thiết, vì lúc này an toàn sinh mạng là trên hết, ít nhất cũng trong giai đoạn còn biến động phức tạp như hiện nay.

 


 

GỬI DU HỌC SINH VỀ NƯỚC LÁNH DỊCH

PHẦN 1: BIẾT BAO TAI ƯƠNG TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG

 

Sài Gòn, 09/08/2020                                                                       moäc . theákhoâng

Tóm tắt tiểu mục:

1.1. Sống chung với ôn dịch

1.2. Những chuyến bay thưa thớt

1.3. Những kinh nghiệm xương máu

1.4. Trang trải phí cách ly

Phần 1: Biết bao tai ương trên mọi nẻo đường

1.1. Sống chung với ôn dịch

Trong những tháng gần đây, thông tin về những chuyến bay đưa công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước lánh dịch ngày càng nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại, vì tình hình chung ở nước ngoài còn nhiều diễn biến phức tạp ngoài dự kiến, và một số du học sinh cảm thấy không nhất thiết phải chờ thêm nữa sau khi đã thu xếp hoặc có giải pháp tạm thời về chuyện học hành.

 

Từ đầu năm Dương lịch 2020 cho đến nay, xem ra chúng ta đã sống chung với Coronavirus/ Covid-19 hơn bảy tháng và thực hiện cách ly y tế đối với các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài. Nếu tính từ dịp Tết Canh Tý, tình trạng sống chung với ôn dịch bất đắc dĩ đó cũng đã kéo dài hơn sáu tháng, trong đó có ba tuần lễ thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong lần đầu tiên hồi tháng 04/2020.

 

Trong những tháng đó, mọi người đều cố gắng vượt qua nhiều khó khăn chưa từng có trong đời, và đất nước vẫn không tuyên bố hết dịch để tránh tâm lý chủ quan. Trong thời gian cách ly toàn xã hội đó, chúng ta ghi nhận 99 ngày liên tiếp không phát sinh ca lây nhiễm mới trong cộng đồng kéo dài từ giữa tháng 04/2020 cho đến gần cuối tháng 07/2020, cụ thể ngày 25/07/2020, dịch bùng phát ở Đà Nẵng, vào thời điểm mà một số gia đình hưởng ứng kích cầu du lịch nội địa sau khi con em mình vừa kết thúc niên khóa 2019-2020 dài đăng đẳng, đầy căng thẳng.

 

1.2. Những chuyến bay thưa thớt

Còn các du học sinh thì sao? Có thể nói trước đại dịch cuộc đời của các du học sinh đang trải qua những ngày tháng tuyệt vời với nhiều hoài bão tươi sáng cho tương lai, thì đùng một cái đại dịch Coronavirus/ Covid-19 làm đảo lộn toàn bộ việc học hành của họ nói riêng và cuộc sống của chúng ta nói chung. Nhưng giờ đây ngồi nuối tiếc quá khứ cũng chẳng lợi lộc gì, sao không thử viết tiếp một câu chuyện đối diện với thực tế đang diễn ra xem chừng có hữu ích hơn không.

Trước hết, chúc mừng tất cả các du học sinh đã về nước an toàn theo từng đợt sơ tán sau những chặng đường bay có thể nói là kinh khủng chưa từng có trong đời, như thời gian chờ đợi và lộ trình bay kéo dài lê thê, giá vé cao chót vót, tình hình an ninh xã hội bất ổn, nguy cơ lây nhiễm chéo ở nơi tâm dịch, lo lắng mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần mà lại chẳng biết chắc có bay được hay không giữa lúc nhiều hoạt động kinh tế trên thế giới bị đình chỉ, trong đó ngành hàng không chịu ảnh hưởng rất nặng.

Các bạn trẻ về được tới Việt Nam theo nguyện vọng là điều may mắn so với nhiều người khác, tuy họ cũng muốn về lắm nhưng chưa thu xếp được, bởi vì “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Về Việt Nam, bạn được gặp lại ông bà bố mẹ, các anh chị em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân hữu. Về Việt Nam, không hẳn bạn sẽ được bảo vệ sức khỏe an toàn tuyệt đối giữa đại dịch, vì điều này còn tùy thuộc vào ý thức chung của toàn xã hội nữa, nhưng ít ra tỷ lệ lây nhiễm trong nước cho đến lúc này vẫn còn thấp so với ở nước ngoài, nên có cơ hội được chăm sóc điều trị trong tình trạng chưa bị quá tải. Đó chẳng phải là điều may mắn hay sao, và bạn hoàn toàn xứng đáng được như vậy với tư cách một công dân.

Có một vài lời bàn tán lạc lõng nói tại sao không chủ động bay về sớm cho khỏe trước khi các chuyến bay quốc tế bị gián đoạn, mà lại chờ quá lâu để cuối cùng dồn cục lại gây quá tải trong xử lý? Hoặc tại sao không ở luôn bên đó cho rồi, chứ về nước làm gì kẻo không khéo lại gây ảnh hưởng đến gia đình và người khác. Thiết nghĩ, bạn cũng chẳng nên bận tâm đến những lời nói đó làm gì, mà hãy tập trung suy nghĩ vào việc lập kế hoạch sắp tới ra sao như sẽ bàn ở bên dưới. Miễn bạn là người Việt Nam, còn giữ quốc tịch thì cứ trở về quê hương đất nước theo nguyện vọng của mình thôi.

May mắn thay, những lời lẽ thiếu thiện chí đó không thuộc về số đông, mà nói như vậy thì ai chả nói được, nó giống như bàn về kết quả xổ số chiều nay sau khi vé số đã quay. Thực tế thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đâu phải muốn về là về được đâu. Còn biết bao nhiêu thứ mà một du học sinh phải xử lý như bài học dở dang, báo cáo thuyết trình, kiểm tra cuối kỳ, tiền ăn tiền ở, nói chung rất nhiều khó khăn trở ngại khác không thể giải quyết ngay cùng một lúc được, và còn phải chờ xem tình hình và khả năng ứng phó của các nước sở tại có tiến triển gì không.

Khi đối diện với Coronavirus tuy là vô hình vô ảnh trong con mắt nhân gian, nhưng lại hữu hình ám ảnh trong tổn thất nhân mạng trong lần đầu tiên của lịch sử loài người, kể cả những người lớn hay bậc phụ huynh cũng còn lúng túng trong xử lý tình huống, cũng còn đau đầu cân nhắc giữa việc tiếp tục ở lại nước ngoài hay trở về quê hương lánh dịch giữa lúc dịch bệnh quái ác làm đảo lộn nghiêm trọng toàn bộ cuộc sống từ công ăn việc làm, cơ hội phát triển đến sinh hoạt gia đình, huống hồ chi là các du học sinh còn đang độ tuổi ăn học.

Việc dàn xếp những chuyến bay đặc biệt trong những trường hợp hiếm hoi đưa công dân về nước trong bối cảnh phần lớn ngành hàng không đóng cửa hoặc giảm thiểu chuyến bay để ngăn dịch là bổn phận và trách nhiệm của nhà chức trách đối với công dân, đó là điều cần phải thực hiện để bảo vệ công dân còn đang gặp khó khăn ở nước ngoài, tùy vào khả năng hợp tác xử lý giữa các nước có liên quan về thời gian, địa điểm, lịch trình và số khách của chuyến bay.

Đừng bao giờ quên rằng khi bạn quyết định về nước lánh dịch, gia đình bố mẹ bạn vô cùng lo lắng, mất ăn mất ngủ, không biết liệu thời gian thu xếp lịch bay có được thực hiện sớm hay không trong hoàn cảnh việc đi lại không còn tự do thoải mái như trước, hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chỉ khi chuyến phi cơ đặc biệt đón bạn hạ cánh an toàn trên mảnh đất quê hương, lúc đó bố mẹ bạn mới trút hết được mọi gánh nặng lo âu chất chứa bấy lâu nay với những giọt nước mắt hạnh phúc: con đã trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ!

1.3. Những kinh nghiệm xương máu

Khi lâm vào tình huống tưởng chừng như bế tắc, có nhiều bạn luôn biết tìm cách vượt qua, chẳng hạn như viết vội tờ giấy với dòng chữ kêu gọi cầu cứu giúp đỡ, vì trường học đóng cửa, học xá đóng rào, đường bay đóng băng, giao thông đóng chốt… Việc giương tờ giấy với lời kêu gọi đó cho thấy bạn biết báo động cho nhiều người nắm được tình hình thực tế của mình, như một cách tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các hệ thống, thủ tục quan liêu nào đó, buộc họ phải tìm cách xử lý tình huống.

Chắc hẳn bạn vẫn nhớ khi mình liên hệ với cơ quan, tổ chức nào đó ở nước ngoài để yêu cầu hỗ trợ, thì họ thường bảo bạn hãy gọi lại sau vài ngày, chứ chẳng hứa sẽ gọi lại, đơn giản vì quá tải rồi, còn tâm trí đâu mà gọi lại cho bạn nữa. Việc của mình thì mình phải chủ động lên tiếng thôi. Tuy nhiên, từ giờ trở đi với tư cách là nhân chứng sống giữa đại dịch Coronavirus/ Covid-19, bạn đã có kinh nghiệm xương máu cho mình rồi, và nếu xảy ra bất kỳ tình huống nào tương tự như thế trong tương lai, chắc chắn bạn sẽ ra quyết định quyết liệt hơn, không chỉ cho bản thân, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình con cái mình sau này nữa.

Như bạn đã biết, Hội chứng SARS (viết tắt của “Severe Acute Respiratory Syndrome”, tạm dịch “Hội chứng hô hấp cấp tính nặng”) đã bùng phát ở châu Á vào năm 2003 với nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và tình hình kinh tế thế giới nói chung. Vậy mà giờ đây chỉ sau 17 năm virus đã quay trở lại với một phiên bản mới, lan rộng hơn, mạnh mẽ hơn, khó lường hơn, tàn bạo hơn với tên gọi SARS-CoV-2”, vì đặc tính gen của nó có liên quan đến loại virus corona gây dịch SARS làm chết người.

Chắc hẳn bạn cũng chứng kiến tận mắt hoặc cập nhật tin tức về những ca mắc bệnh và những ca tử vong ở nước ngoài nơi bạn học rồi, và chúc mừng bạn biết giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt cẩn trọng và về nước an toàn. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Coronavirus/ Covid-19 gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu như sau:

 

[.] Trên thế giới:

·      Số nước bị nhiễm: 213 quốc gia và vùng lãnh thổ

·      Số ca bị nhiễm: 19.848.959

·      Số ca tử vong: 730.385

·      Số ca khỏi bệnh: 12.750.384

(Nguồn: Worldometers, cập nhật 09/08/2020, lúc 13:16 GMT, tức 20:16 giờ Hà Nội)

 

[.] Tại Việt Nam:

·      Số ca bị nhiễm: 841

·      Số ca tử vong: 11

·      Số ca khỏi bệnh: 395

·      Số đang điều trị: 435

(Nguồn: Bộ Y Tế, cập nhật 09/08/2020, lúc 20:16 giờ Hà Nội)

Khi đối diện với tình huống dầu sôi lửa bỏng, vô cùng nguy cấp chưa từng có trong đời và với bản năng sinh tồn sẵn có nay trỗi dậy mãnh liệt trong mỗi con người chúng ta, tự khắc chúng ta sẽ nhận thức rất rõ ràng về một điều vô cùng giản dị, nhưng lại vô cùng thiết yếu, mà đôi khi ít được nhắc tới trong điều kiện bình thường hoặc lúc đang khỏe mạnh, đó là: còn tính mạng là còn tươi sáng!


1.4. Trang trải phí cách ly

Nếu ai đã về nước an toàn và đang ở trong khu cách ly y tế tập trung, hãy thể hiện tinh thần hợp tác với đội ngũ y bác sĩ và cơ quan chức năng vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, và trang trải chi phí cách ly, điều trị y tế (nếu có). Nếu biết suy nghĩ tích cực, cứ xem như một “chuyến du lịch y tế” để bảo vệ bản thân khỏi mọi rủi ro tiềm ẩn. Bù lại ta được phục vụ việc ăn ở, nếu sức khỏe bình thường thì về nhà sum họp với gia đình, còn nếu có bất cứ triệu chứng gì thì đã có đội ngũ y tế xử lý tại chỗ.

Các bạn trí thức trẻ được đào tạo trong môi trường giáo dục tiên tiến ở phương Tây sẽ dễ dàng hợp tác với đội ngũ y bác sĩ trong nước. Về chi phí điều trị y tế ở nước ta, rõ ràng nó vẫn “mềm mại” hơn nhiều so với các nước phương Tây mà. Xem trực tiếp một vài chương trình truyền hình của các hãng thông tấn quốc tế thì nhận thấy có một số gia đình ở phương Tây sau khi được điều trị khỏi Coronavirus/ Covid-19 và nhận hóa đơn thanh toán viện phí, thì phần lớn đều xướng ầm lên, chứ không phải xướng âm lên, đa số đều hét lên, chứ hổng phải hát lên, mếu rằng: I could hardly believe it when I had the bill today!

(còn tiếp)

=> Phần 2: An toàn thân mạng cứ học trên mạng

_________________


moäc . theákhoâng
(Kingsley Truman Tran)
gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo

[Music Blog]   : mocquockhanh.blogspot.com
[Finance Blog]: mocphuckhang.blogspot.com
[Zen Blog]       : mocthekhong.blogspot.com
[E-mail]           : moc.quockhanh@gmail.com
☎ 09 06 99 99 00


Nguồn:  Blog Mộc Thế Không


https://mocthekhong.blogspot.com/2020/08/topic-gui-du-hoc-sinh-ve-nuoc-lanh-dich.html

https://www.facebook.com/mocquockhanh/posts/3794914197188848?notif_id=1596980340578294&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif