Monday, May 6, 2019

Giới thiệu bộ sách của dịch giả NGUYÊN PHONG




GIỚI THIỆU BỘ SÁCH
CỦA DỊCH GIẢ NGUYÊN PHONG


Sài Gòn, 05/05/2019                                                             moäc . theákhoâng


Kể từ khi đọc quyển “Hành trình về Phương Đông” (Journey to The East, NXB Phương Đông, 2010) của tác giả Blair T. Spalding do Nguyên Phong dịch thuật, rải rác trong gần 10 năm vừa qua chúng tôi đã sưu tầm gần như đầy đủ bộ sách của dịch giả Nguyên Phong xoay quanh đề tài minh triết của nhân loại, chủ yếu xuất phát từ Ấn Độ và Tây Tạng. 
Mười quyển sách do Nguyên Phong dịch thuật và phóng tác gồm có:

1. Hành trình về Phương Đông (Journey to The East, 2010)
2. Trở về từ cõi sáng (Embraced by the Light, 2016)
3. Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng (Mystiques et magiciens du Tibet, 2017)
4. Ngọc sáng trong hoa sen (The Wheel of Life, 2017)
5. Trở về từ xứ tuyết (2018)
6. Hoa sen trên tuyết (2018)
7. Bên rặng Tuyết Sơn (Spirit of Himalaya - The Story of A Truth Seeker, 2019)
8. Đường mây qua xứ tuyết (The Way of The White Clouds, 2019)
9. Hoa trôi trên sóng nước (Journey In Search of The Way, 2019)
10. Minh triết trong đời sống (Wisdom, Bliss & Common Sense, 2019)

Mười quyển sách minh triết của dịch giả Nguyên Phong

Nếu bạn ở độ tuổi từ 30 đến ngoài 40 (tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc) và bắt đầu cảm thấy dường như thế giới vật chất không còn thỏa mãn đời sống tinh thần của mình như trước đây nữa, thì “Hành trình về Phương Đông(Journey to The East, 2010) sẽ khai mở cho bạn những điều huyền diệu trong thế giới huyền học, vượt qua những rào cản của khoa học, nhưng vô cùng sống động, hấp dẫn và đầy thực tiễn như ánh sáng mặt trời chưa bao giờ ngừng chiếu rọi, hé mở cho chúng ta về những tiềm năng bí ẩn của con người mà chính mình chưa “khai quật” hết.

Chắc bạn cũng đã từng nghe kể rằng có một số người phương Tây khi gặp phải bế tắc trong công ăn việc làm, trong gia đình nhàm chán, trong cuộc sống thường nhật hay trong sáng tạo nghệ thuật, họ thường nhìn về phương Đông và thu xếp hành trang thực hiện những chuyến du hành đổi đời đến vùng đất thiêng Ấn Độ và Tây Tạng để khám phá những điều mới mẻ, thậm chí tìm kiếm một lối thoát vượt ra khỏi cái kiếp người đã rệu rã “cơ khí hóa” mà lẽ ra phải rạng rỡ “thần khí hóa”.

Không thể nào kể hết những ai đã từng đặt chân đến khu vực này, chỉ nêu một vài nhân vật lừng danh như ban nhạc tứ quái The Beatles, Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg v.v…, chừng ấy cũng đủ hiểu tại sao họ lại đặc biệt yêu thích chọn lựa vùng đất thiêng có sức hút mãnh liệt này trong khi châu Á còn có những nền minh triết khác.

Mười quyển sách minh triết của dịch giả Nguyên Phong

Tiến thêm một giai đoạn nữa trong cuộc đời mình, nếu bạn gần đến tuổi 50 (ngũ thập nhi tri thiên mệnh) và bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện điều gì sẽ xảy ra khi bạn dừng cuộc chơi ở cõi tạm này, nói đơn giản là cái chết, thì “Trở về từ cõi sáng(Embraced by the Light) sẽ hé mở cho bạn những câu chuyện về trải nghiệm cận tử (near-death experience, NDE), người chết sống lại và những trải nghiệm quý giá về cuộc sống sau cái chết.

Theo chúng tôi, điều tuyệt vời và đặc biệt nhất trong quyểnTrở về từ cõi sáng” đó là dịch giả Nguyên Phong đã dành nguyên một chương cuối để viết phần dẫn nhập Tử Thư Tây Tạng (The Tibetan Book of The Dead), một quyển sách gần như độc nhất vô nhị đề cập đến các cảnh giới bên kia cửa tử theo vũ trụ quan, nhân sinh quan Phật giáo.

Điều hấp dẫn nhất và có vẻ nghịch lý của quyển sách nằm ở chỗ tuy tựa đề của nó mang ý nghĩa “tử thư”, tức sách dành cho người chết nghe thật rùng rợn, nhưng toàn bộ nội dung trong đó lại làm sáng tỏ giáo nghĩa “sinh thư”, tức sách dành cho người sống, dành cho người tái sinh như muốn nhấn mạnh rằng chẳng cho ai chết cả, nghe thật phấn khởi vô cùng.

Phần dẫn nhập nói trên của dịch giả Nguyên Phong là bước đệm cần thiết giúp bạn dễ dàng hơn khi lần đầu tiên tiếp cận trực tiếp quyển “Tử thư Tây Tạng - Đại giải thoát thông qua sự nghe trong Bardo” (The Tibetan Book of The Dead, The Great Book of Natural Liberation Through Understanding in The Between) của Guru Rinpoche do Francesca Fremantle và Chogyam Trungpa dịch sang tiếng Anh.

Theo Kinh Thánh Ki-tô giáo hay Kinh tạng Phật giáo, cái chết là điều không thực có, chết không phải là hết. Nói cách khác, chưa bao giờ có một cái chết vĩnh viễn mà chỉ có một đời sống vĩnh hằng. Vì vậy, mối bận tâm, lo lắng, hoang mang, hoảng sợ về cái chết hay về cõi “chuyển tiếp” vào kỳ thân hoại mạng chung là điều vô cùng hoang phí ngay trong kiếp nhân sinh hiện hữu.

Trước khi từ giã cuộc đời này, còn gì hạnh phúc và an lạc hơn khi bạn đã xây dựng được cho mình một niềm tin vững chắc, một sức mạnh tâm linh kiên cố tùy tôn giáo mà bạn đang theo như sau: (i) về với nước Chúa vĩnh hằng theo Ki-tô giáo, (ii) tái sinh theo nghiệp lực hoặc nguyện lực theo Phật giáo.

Niềm tin nào cũng tốt, đức tin nào cũng quý vì ít ra bạn cũng đã có con đường tâm linh tuyệt diệu để tiếp tục cuộc hành trình mới. Về mặt thời gian, kiếp sống con người tính ra rất ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá. Vì vậy, sẽ vô cùng đáng tiếc nếu bạn hủy hoại cuộc đời mình và tự biến mình trở thành kẻ vô nhân bạo loạn, kẻ vô đạo cuồng loạn.

Đến đây nếu có chút thời gian, bạn thử đọc lại trích đoạn bài viết của mộc.quốckhanh khi tưởng niệm về người nhạc sĩ thuộc thế hệ đàn anh: Phan Khanh (1956-2017).


Trích đoạn bài viết:

Nhớ PHAN KHANH, nhờ PHAN KHANH
& nhỡ PHAN KHANH

mộc.quốckhanh (27/01/2017)

(…)

Ngồi đọc lại bài viết “Nàng-Nhạc song hành”, chúng tôi chợt thấy có đoạn ghi: “Một phép đảo âm dương hợp lý hay cái mặc nhiên ‘vô thường, thị thường’ mà cũng rất đời thường của nhà Phật”. Hai chữ “nhà Phật” xuất hiện một lần duy nhất trong bài viết, dù trong những lần gặp gỡ, chưa bao giờ chúng tôi đề cập đến vấn đề tôn giáo. Tôi cảm thấy như được thêm phần khích lệ vì cái duyên lành này như muốn nhắc nhở “khả năng kết nối” giữa anh với chúng ta trong một cõi mới.

Sự kiện ngày 16/01/2017 vừa qua hàm ý rằng anh Phan Khanh chỉ tạm ngưng trò chuyện ca hát với chúng ta thôi, chứ anh ấy không chết như cách chúng ta nghĩ. Xét cho cùng, không hề có cái chết, vì không có một thế lực nào có thể hủy diệt thần thức của anh một cách vĩnh viễn ra khỏi đời sống này, vốn chẳng có bắt đầu và kết thúc. Đây là chân lý tuyệt đối theo quan niệm triết học Phật giáo và Thần học Ki-tô giáo, mà đôi khi chúng ta vô tình lãng quên.

Cột mốc 16/01/2017 chỉ đơn giản đánh dấu một thời điểm mà kể từ đó anh Phan Khanh đã bước vào một cõi an vui mới. Là đàn em hay bạn bè thân hữu của anh Phan Khanh, lẽ nào chúng ta lại đau buồn vì anh ấy được an vui? Lẽ nào chúng ta lại đau khổ vì anh ấy được sung sướng? Chắc chắn không ai trong chúng ta có ý nghĩ đó. Nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta đang buồn thương tiếc nhớ anh Phan Khanh, vậy chúng ta đang buồn vì điều gì? Cần minh định rằng chúng ta buồn vì chưa đạt đến cõi an vui đó, chúng ta buồn vì đã lỡ chuyến “tàu tâm linh” đưa chúng ta đồng hành cùng Phan Khanh. Đó mới là nỗi buồn có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, điều may mắn là nỗi buồn này sẽ không kéo dài vô tận đâu mà lo, tức kiểu gì chúng ta cũng sẽ thoát khỏi nỗi buồn đó mà thôi. Nói cách khác, chuyến “tàu lượn tâm linh tự lái” đó sẽ không lỗi hẹn với chúng ta mãi mãi, mà nó sẽ còn quay trở lại trong một ngày nào đó. Chuyến tàu đặc biệt này không chạy bằng xăng, nên không gây ô nhiễm môi trường, không tốn chi phí cầu đường và cũng không bao giờ sợ hết xăng. Nó chạy tới chạy lui, chạy xuôi chạy ngược, lượn qua lượn lại, lượn mãi không thôi, chẳng hề mệt mỏi bằng một nguồn năng lượng vô cùng vô tận, gọi là nghiệp lực (karma) của mỗi cá nhân chúng ta đã tạo ra, duy trì, tích lũy trong kiếp sống này và cho những đời sống tiếp nối khác.

Khi chuyến “tàu lượn tâm linh tự lái” đó quay lại rước thêm những lữ khách đang lang thang trong cõi vô thường này, đó cũng chính là lúc chúng ta tạm để lại cái xác phàm đang dần dần tan rã theo quy luật vô thường, đặt hết mọi gánh nặng cuộc đời xuống lòng đất, rồi tâm thức chúng ta thảnh thơi “chuyển hệ” bước lên chuyến tàu đó. Đó là sự chuyển hóa thăng hoa!

Hữu duyên gặp lại các anh
Vô duyên cũng gặp tinh anh luân hồi.

Tức là cho dù còn có cơ duyên hay không, trong những đời sống tái sanh mới, chúng ta vẫn sẽ làm lại, gặp lại, yêu lại, thương lại, đàn lại, hát lại… với vô lượng vòng lặp như thế.

‘Nhỡ Phan Khanh’ được xem như một dấu lặng tròn đầy để chúng ta có dịp sống chậm lại, trân trọng từng phút giây quý giá ngay trong kiếp sống này, ngay trong hơi thở này.

Để không có gì phải luyến tiếc
Vì chẳng có ai để tiễn biệt
Để không có gì phải thương tiếc
Vì chẳng có ai để vĩnh biệt./.



* * * * * * * *

Trong loạt sách nói trên của dịch giả Nguyên Phong, sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có đủ bộ. Nếu không, chỉ cần đọc trước hai quyển “Hành trình về Phương Đông” và Trở về từ cõi sáng” như chúng tôi giới thiệu bên trên. Những quyển còn lại bạn có thể tham khảo sách ở dạng trực tuyến miễn phí (nếu có).

Mười quyển sách minh triết của dịch giả Nguyên Phong

Ngoài bộ sách tâm linh nói trên, tác giả Nguyên Phong đã ra mắt độc giả Việt Nam quyển “Connection: Kết nối - Lời khuyên sinh viên Việt Nam” (NXB Tổng Hợp TPHCM, 2017), được ký tên là John Vu. Quyển này thuộc loạt sách chắp cánh cho tuổi trẻ Việt Nam được Giáo sư John Vũ viết bằng tiếng Anh, do Ngô Trung Việt dịch sang tiếng Việt. Còn hai quyển nữa cũng của Giáo sư đó là “Khởi hành” và “Bước ra thế giới”, nhưng hiện nay chúng tôi chưa có. Hy vọng sẽ tìm được sớm cho đủ bộ, có lẽ chính vì thế mà một số bạn bè thân hữu thường trêu tôi là “kẻ thích chơi complet” chăng.

Được biết Nguyên Phong là bút danh của Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Năm 1968, ông rời Việt Nam sang Hoa Kỳ du học và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Ngoài vai trò của một nhà khoa học, ông còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông.

Spiritually yours,
-----
mộc.thếkhông
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo

[Music Blog]   : mocquockhanh.blogspot.com
[Finance Blog]: mocphuckhang.blogspot.com
[Zen Blog]       : mocthekhong.blogspot.com
[E-mail]           : moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

T.B: Vui lòng không hỏi về việc đặt hàng mua bán/ vay mượn/ ký gửi sách vở, vì đó không phải là công việc của chúng tôi, ít nhất cũng trong lúc này. Tôi xin đa tạ.

No comments:

Post a Comment